Sáng ngày 08/01/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018 của ngành Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thay mặt Lãnh đạo Chính phủ đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan ở Trung ương các đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự đưa tin về Hội nghị. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có Bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị. Cổng thông tin điện tử trân trọng đăng tải toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng.
- Kính thưa đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
- Thưa các quý vị đại biểu đại diện lãnh đạo của các cơ quan ở Trung ương,
- Thưa các đồng chí, đại diện lãnh đạo Sở TNMT các địa phương
- Thưa các đồng chí,
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay Bộ TNMT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018 của ngành TNMT. Tôi xin thay mặt lãnh đạo, toàn thể cán bộ công chức viên chức của Bộ Tài nguyên và môi trường nhiệt liệt chào mừng đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ thay mặt Lãnh đạo Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu, các vị khách quý đại diện các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan ở Trung ương các đồng chí Giám đốc Sở TNMT các địa phương; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự đưa tin về Hội nghị.
Nhân dịp năm mới 2018 và Xuân Mậu Tuất sắp đến, tôi kính chúc Đồng chí Phó Thủ tướng và chúc các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Thưa các đồng chí,
Bước vào năm 2017, tình hình đất nước có nhiều yếu tố thuận lợi, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát..., song cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. BĐKH diễn ra nhanh hơn dự báo; thiên tai, bão, lũ lụt, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi, tác động lớn đến nhiều ngành kinh tế, đời sống người dân. Sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung vẫn đang để lại một số hậu quả. Môi trường sống đang phải chịu những áp lực không nhỏ do tác động tích lũy của quá trình tăng trưởng chưa bền vững. Tình trạng lãng phí tài nguyên còn xảy ra ở nhiều địa phương.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, lấy phương châm “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” làm trọng tâm hành động. Tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhất là về đất đai, thị trường bất động sản, “cởi trói” được một phần cho nông nghiệp.
Công tác cải cách hành chính đã có những bước cắt giảm chi phí cho người dân, do anh nghiệp với việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục; liên thông 11 thủ tục trong lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận.
Đã tổ chức thành công Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ để huy động sáng kiến cho phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, mở ra một mô hình mới về phát triển các vùng đồng bằng thích ứng với BĐKH trên phạm vi cả nước.
Với sự nỗ lực của toàn ngành công tác công tác quản lý, sử dụng đất đai đã có sự chuyển biến rất rõ nét, thu tài chính từ đất tăng, chiếm khoảng 12% thu nội địa; nhiều vấn đề dư luận, người dân quan tâm như lãng phí đất đai, cấp GCN đã có chuyển biến với hơn 78 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai được đưa vào sử dụng, hơn 1,8 triệu giấy GCN được cấp mới. Công tác BVMT đã có những bước chuyển biến lớn, chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoàn thành kế hoạch khắc phục đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành như: Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang v.v., đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Bước đầu triển khai có hiệu quả chủ trương kinh tế hoá trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với Việt Nam. Đã phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông, nhờ đó tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông đã giảm. Nhiều hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan trong năm nay đã được dự báo, cảnh báo tương đối kịp thời, giảm thiểu nhiều thiệt hại tính mạng và tài sản Những kết quả đạt được đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu về phát triển KT-XH của đất nước năm 2017.
Đặc biệt ngành TNMT đã hoàn thành việc sơ kết, đánh giá một cách toàn diện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với 2 lĩnh vực hết sức quan trọng cho phát triển bền vững đó là đất đai và môi trường; tổng kết đánh giá hai chiến lược lớn là khoáng sản và biển đảo, qua đó đã xác định những bất cập, rào cản, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới về 02 đạo luật quan trọng là Luật đất đai, Luật BVMT và ban hành chiến lược mới về khoáng sản và biển. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, tạo động lực cho một giai đoạn phát triển mới.
Những thành tựu đạt được trong năm 2017 là kết quả của sự nỗ lực trong toàn ngành; sự quan tâm sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp tích cực của các Bộ, Ban, ngành, cơ quan trung ương; sự quan tâm, quyết liệt của UBND các cấp. Thay mặt Lãnh đạo Bộ TNMT tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Chính phủ; cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các Bộ, Ban, ngành, cơ quan trung ương, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt 63 Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, cảm ơn và biểu dương những nỗ lực phấn đấu của các cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong toàn ngành và mong rằng tinh thần này sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2018.
Thưa các đồng chí,
Ngày hôm qua ngành tài nguyên và môi trường đã có một buổi chiều để nhìn lại một năm công tác ngành hết sức bận rộn, khẩn trương. Trên cơ sở đó đánh giá kết quả đạt được, đặc biệt là chỉ ra những tồn tại, yếu kém và vướng mắc, nhất là vấn đề cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa Bộ với các Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như Ủy ban nhân dân các cấp. Đồng thời các Sở cũng có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế quan trọng nhằm tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách ngành TNMT.
Mặc dù những kết quả đạt được là hết sức tích cực, nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác quản lý TNMT, trong đó nổi lên một số vấn đề sau đây:
- Một là, một số chính sách, pháp luật về TNMT chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tế, chưa có đột phá lớn để thúc đẩy giải phóng các nguồn lực khác như lao động, khoa học và các nguồn vốn cho phát triển. Đây là vấn đề soe nêu
- Hai là, nhiều vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp; hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực, quản lý đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn hạn chế, và vấn đề lấn chiếm, tranh chấp đất đai còn phổ biến.
- Ba là, an ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức quan trọng, tuy nhiên việc điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông còn chậm; vấn đề bảo vệ tài nguyên nước chưa được chú trọng đúng mức. Tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi, gây sạt lở bờ sông bờ biển.
- Bốn là, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; rác thải chưa được thu gom và quản lý, đáp ứng quy chuẩn môi trường. Mặt khác chưa được quan niệm như một tài nguyên, cần phải giảm phát thải và tái sử dụng; công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển.
- Năm là, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, diễn biến khó lường trong khi mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị vẫn còn lạc hậu dẫn đến chất lượng dự báo xa, dự báo chính xác trong phạm vi hẹp còn hạn chế. Ứng phó với BĐKH đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế, hoạt động điều phối các nguồn lực chưa hiệu quả.
- Sáu là, tài nguyên biển chưa được điều tra, khai thác, sử dụng hiệu quả và đóng góp tương xứng cho phát triển KT-XH của đất nước.
Thưa các đồng chí,
Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, cần có những xung lực mới cho phát triển. Với ý nghĩa là nguồn lực đầu vào của các hoạt động KT-XH, quản lý TNMT cần có những đột phá từ thế chế, chính sách, pháp luật, đến chiến lược, quy hoạch và tổ chức thực hiện để thực hiện thành công, góp phần giải phóng sức lao động; thu hút, huy động các nguồn lực, nguồn vốn, KH-CN cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Hội nghị này chúng ta cần bàn các giải pháp để đảm bảo sự chuyển biến lớn trong công tác quản lý TNMT, tôi xin nêu một số vấn đề để Hội nghị tập trung thảo luận:
1. Về các nhiệm vụ trọng tâm
Các Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, Quốc hội đặc biệt là Nghị quyết số 01 của Chính phủ đặt ra cho ngành những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cụ thể. Để đáp ứng được các mục tiêu đó, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, toàn ngành cần quán triệt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” để tạo ra được chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống. Nhiều câu hỏi lớn cần đặt ra đối với toàn ngành mà tại Hội nghị hôm nay chúng ta cần tập trung thảo luận để tìm lời giải.
- Trước hết là về đất đai, ba câu hỏi lớn cũng là ba yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt ra cho ngành hiện nay là: tại sao hiệu quả sử dụng đất của chúng ta vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực? làm thế nào để giải quyết có hiệu quả tình trạng lãng phí đất đai, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển KT-XH? giải pháp nào để giải quyết tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là khiếu kiện đông người? Quá trình sơ kết đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 19 của BCH TƯ và đánh giá tình hình thi hành Luật đất đai đã chỉ rõ nguyên nhân từ những bất cập, những điểm nghẽn về chính sách và cả quá trình thực thi.
Về chính sách, pháp luật về đất đai cần làm rõ nội hàm về quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước; hoàn thiện công cụ quy hoạch để phân bổ hợp lý tài nguyên đất đai phù hợp với tiềm năng thế mạnh, tạo không gian liên kết kinh tế, tương hỗ, hỗ trợ thúc đẩy phát triển giữa các địa phương, vùng lãnh thổ; công khai, minh bạch, mở rộng quyền tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế đảm bảo tài nguyên đất đai được giao cho các chủ thể có năng lực để sử dụng hiệu quả gắn với giải quyết hợp lý việc làm, nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội; hoàn thiện, đổi mới toàn diện chính sách về kinh tế, tài chính đất đai theo các nguyên tắc thị trường…, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất để các quan hệ đất đai vận hành theo các nguyên tắc, quy luật của thị trường, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý đất đai. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động, điều tiết nguồn lực từ đất đai cũng như điều kiện, chế tài để đảm bảo thực hiện trọng thực tiễn; khắc phục tình trạng nhà nước bỏ rất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng nhưng không thu được gì từ giá trị tăng thêm từ đất do đầu tư hạ tầng mang lại. Phải hoàn thiện cơ chế khuyến khích hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Giải quyết hài hòa lợi ích các bên nhà nước, người dân, do anh nghiệp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tính toán một cách căn cơ lợi ích của người dân; phải giải quyết từ gốc đó là trả đủ thu nhập, giải quyết tốt vấn đề an sinh người có đất bị thu hồi có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất; cũng như cơ chế để giải quyết nhằm chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài; tiếp tục thể chế rõ hơn vai trò giám sát của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong thực thi, toàn ngành cần triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý chặt chẽ đất đai, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất, đất để hoang hóa, đất sử dụng sai mục đích, chống thất thoát ngân sách nhà nước từ chênh lệch giá do quy hoạch, do đầu tư hạ tầng. Cần tập trung rà soát xử lý đất của các dự án chậm triển khai; chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định; cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, lấn chiếm, lãng phí đất công. Đảm bảo hoàn thành việc sắp xếp đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp.
- Trong lĩnh vực BVMT, chất lượng môi trường sống đang phải chịu những áp lực không nhỏ do tác động tích lũy từ nhiều năm qua, không thể giải quyết một cách triệt để trong một sớm một chiều mà đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tại hội nghị này, chúng ta cần đề xuất những cơ chế đột phá trong sửa đổi Luật BVMT nhằm huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường; chuyển từ BVMT cuối đường ống sang BVMT ở đầu đường ống trong suốt cả quá trình; kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau. Cần thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp môi trường để chất thải thành tài nguyên được tái chế, tái sử dụng một cách hợp lý ở các vùng miền khác nhau của cả nước, phục vụ phát triển KT-XH. Cùng với hoàn thiện thể chế, cần tập trung quản lý cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, nông thôn, khu, cụm công nghiệp, đô thị, lưu vực sông, hồ, ven biển… Năm 2018 tập trung vào bảo vệ môi trường nông thôn và làng nghề. Quan trắc chất lượng môi trường vùng, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn, khu vực nhạy cảm về môi trường. Phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường thông qua việc nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kiên quyết không cấp phép các dự án không đảm bảo yêu cầu về BVMT.
- Một yêu cầu rất lớn đặt ra cho ngành đó là bảo vệ, sử dụng hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước; phát huy tốt tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển cho phát triển KT-XH. Cần tập trung hoàn thành việc điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; điều phối, giám sát, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông. Năm 2018 tâp trung vào trọng tâm quản lý tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước, trong đó đặc biệt là quy hoạch tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện bằng công nghệ tự động, trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn. Quan trắc, theo dõi, chia sẻ thông tin về các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở ngoài biên giới phía thượng nguồn, giải quyết hài hòa, hiệu quả, bền vững giữa các bên liên quan, giữa khai thác với bảo vệ. Tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, quản lý cát, sỏi lòng sông. Tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Hoàn thành tổng kết đề xuất ban hành Chiến lược biển mới phù hợp với yêu cầu phát triển giai đoạn mới. Triển khai hoàn thiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam; lập quy hoạch khu vực nhận chìm vật, chất ở biển.
- Về ứng phó với BĐKH và khí tượng thủy văn, yêu cầu về nguồn lực để chủ động ứng phó và nâng cao chất lượng công tác dự báo là rất lớn. Để giải quyết hiệu quả cần thực hiện tốt các hoạt động điều phối; thực hiện lồng ghép vào các kế hoạch phát triển KT-XH, hoạt động đầu tư; thực hiện tốt các cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
2. Về Tổ chức bộ máy, kỷ luật kỷ cương, cơ chế phối hợp
Trước hết tập trung kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, quản lý chặt chẽ số lượng biên chế, công chức, biên chế sự nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng quyền tự chủ và thúc đẩy xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành. Chấn chỉnh, nâng cao kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, cương quyết xử lý, thay thế, điều chuyển công tác đối với cán bộ trì trệ, nhũng nhiễu, không hoàn thành nhiệm vụ. Xây dựng Đề án tăng cường năng lực đội ngũ công chức, viên chức ngành TNMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, giám sát và chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2018. Thực hiện tốt công tác phối hợp theo ngành dọc, giữa các Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Kính thưa các đồng chí,
Sự nghiệp đổi mới còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng chắc chắn sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển lớn mạnh và vững chắc của đất nước, khẳng định vị thế quan trọng của ngành TNMT. Điều đó đòi hỏi mỗi công chức, viên chức, người lao động của ngành phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tâm huyết trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tôi mong rằng toàn ngành hãy chung sức, chung lòng, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, cụ thể hoá phương châm 10 chữ vàng “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ vào mỗi lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ được giao.
Trên tinh thần đó tôi đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận về cơ chế phối hợp; tập trung đề xuất về cơ chế chính sách vĩ mô trong các lĩnh vực của ngành.
Với tinh thần đó tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành TNMT. Xin kính chúc Phó Thủ tướng, các vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị dồi dào sức khỏe. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Theo monre.gov.vn 8/1/2018