Hơn 10 năm trở lại đây, Luật Đất đai qua 2 lần sửa đổi, bổ sung và ban hành đã góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng đất có hiệu quả, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Liên quan tới vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai.
PV: Từ khi thành lập Bộ đến nay, Luật Đất đai đã 2 lần được được sửa đổi, bổ sung (năm 2003 và năm 2013), những thay đổi này đã có đóng góp như thế nào với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thưa ông?
Tổng Cục trưởng Lê Thanh Khuyến: Luật Đất đai qua 2 lần sửa đổi đã đóng góp một phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Những đóng góp đó thể hiện ở một số nội dung chủ yếu như: Trước tiên, vai trò quản lý Nhà nước về đất đai với tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai ngày càng được quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn và đầy đủ hơn. Từ đó, phát huy được vai trò điều tiết, phân bổ tài nguyên đất đai một cách khoa học, hợp lý cho các đối tượng sử dụng đất một cách hiệu quả góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tiếp đó, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phân bổ quỹ đất một cách hợp lý đáp ứng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất cơ bản phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Quỹ đất nông nghiệp đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị hóa. Diện tích đất chưa sử dụng cơ bản đã được đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm thực hiện đã làm cho người sử dụng đất gắn bó với đất đai, yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng hiệu quả sử dụng đất. Chính sách pháp luật đất đai đã dần thu hẹp sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc tiếp cận đất đai; khắc phục những bất cập về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; đổi mới công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai.
Ngoài ra, thị trường bất động sản trong đó có quyền sử dụng đất đã tạo lập được cơ chế hoạt động, phát triển tương đối đồng bộ; từng bước hoàn thiện chính sách tài chính đất đai theo hướng tiếp cận cơ chế thị trường, đưa đất đai trở thành nguồn nội lực, nguồn vốn để phát triển đất nước.
Cuối cùng, công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai từng bước được củng cố, cán bộ làm công tác quản lý đất đai được tăng cường. Công tác cấp Giấy chứng nhận đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai đã được đẩy mạnh. Các nguồn thu từ đất đai ngày càng tăng góp phần quan trọng vào nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
PV: Luật Đất đai 2013 được đánh giá là có tiến bộ hơn so với trước đây, đặc biệt, các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân và do anh nghiệp. Vậy sau 3 năm triển khai, Luật đã có hiệu quả ra sao, thưa ông?
Tổng Cục trưởng Lê Thanh Khuyến: Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế đầy đủ quan điểm, nội dung định hướng của Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau 3 năm Luật đi vào cuộc sống cho thấy, những quy định đổi mới giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và do anh nghiệp. Cụ thể, hoàn thành việc lập và điều chỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng được các yêu cầu, nhu cầu sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu. Đến nay, cả nước đã cấp được khoảng 96% diện tích cần phải cấp. Việc này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vừa đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất khi thực hiện các quyền, từ đó, tạo ra một kênh huy động vốn cho phát triển nền kinh tế bao gồm cả Nhà nước, các nhà đầu tư và hộ gia đình, cá nhân.
Với các quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật và các Nghị định quy định chi tiết thi hành về tài chính đất đai bước đầu đã huy động, tạo ra nguồn thu đáng kể và tăng mạnh qua các năm cho ngân sách Nhà nước về các khoản thu liên quan đến nhà đất. Trong đó, năm 2013 là 54.313 tỷ đồng, năm 2014 là 55.563 tỷ đồng, năm 2015 là 83.530 tỷ đồng; năm 2016 là 122.603 tỷ đồng.
Tổng cục đã chú trọng cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai và giảm tối đa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ở Trung ương và nhiều địa phương đã tập trung quyết liệt để xây dựng và công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai theo hướng cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và do anh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất.
Công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất đã được tăng cường về số lượng và chất lượng, trong đó, chú trọng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai; tích cực chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và công khai kết quả thực các kết luận thanh tra. Kết quả đã góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật đất đai và khắc phục kịp thời nhiều tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất.
Việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp và Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện các quyền, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ công việc và sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã kịp thời được ban hành đồng bộ, nội dung rõ ràng và đầy đủ so với trước đây đã giúp công tác tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật được Bộ TNMT, Tổng cục và các Sở TNMT quan tâm tổ chức thực hiện nên không xảy ra ách tắc gây phiền hà cho do anh nghiệp và người dân.
PV: Để nâng cao công tác quản lý Nhà nước về đất đai trong thời gian tới, Tổng cục sẽ có những định hướng và giải pháp nào nhằm sử dụng, quản lý hiệu quả tài nguyên đất, thưa ông?
Tổng Cục trưởng Lê Thanh Khuyến: Để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai trong thời kỳ mới đáp ứng được mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng nền tảng vững chắc để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngành quản lý đất đai đang đứng trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa phải đảm bảo cân đối quỹ đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, vừa phải đảm bảo an ninh lương thực, quốc phòng, an ninh làm cho đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng hàng đầu cho phát triển bền vững.
Để thực hiện được những nhiệm vụ này, ngành cần tập trung thực hiện các định hướng và giải pháp như: Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai cho phù hợp với thực trạng công tác quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam, cũng như phù hợp với quy định của các Điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Tập trung hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh, tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác cấp Giấy chứng nhận, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và do anh nghiệp trong việc tiếp cận, thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Tổng cục đẩy nhanh tiến độ triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai của Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý và hội nhập kinh tế thế giới; cải cách một cách căn bản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, rút ngắn thời gian thực hiện phục vụ tốt nhất cho người dân và do anh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tăng cường chấn chỉnh và tăng cường việc tổ chức thực hiện Luật Đất đai thông qua việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ đối với việc thi hành luật đất đai; việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành, nhất là đối với các cơ quan Nhà nước ở các cấp trong việc thực hiện các nội dung quản lý đất đai theo phân cấp, để phát hiện, xử lý không vi phạm kéo dài; tổ chức thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai ở các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai.
Đặc biệt là tăng cường củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy và từng bước hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy, tăng cường nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho hệ thống cơ quan này đủ mạnh để làm tốt nhiệm vụ quản lý về đất đai và phát huy nguồn lực đất đai.
Ngoài ra, cần tập trung đầu tư nguồn lực tài chính, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình tập trung thống nhất, đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu và các quy chế quản lý vận hành; bảo đảm cơ sở dữ liệu đất đai xây dựng đến đâu phải được quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng ngay đến đó để bảo đảm hiệu quả trong quản lý đất đai và đáp ứng nhu cầu thông tin đất đai trong xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo monre.gov.vn 3/8/2017