Tai biến địa chất, trượt lở, lũ quét, lũ bùn: Tìm giải pháp cảnh báo sớm

Email :
Để có cơ sở khoa học thực hiện việc cảnh báo sớm các loại hình thiên tai khó dự báo như trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét… Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để lựa chọn hệ phương pháp, mô hình phân vùng cảnh báo chi tiết và xác định ngưỡng mưa kích hoạt tại các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” và thu được nhiều kết quả tích cực.
Sử dụng tổng hợp phương pháp để dự báo chính xác nhất
TS. Đỗ Minh Hiển - Chủ nhiệm đề tài, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, các phương pháp và mô hình trước đây áp dụng cho việc thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ tai biến trượt lở, lũ quét thường được thực hiện ở tỷ lệ nhỏ đến trung bình (từ 1:500.000 đến 1:50.000). Chính vì vậy, mức độ dự báo, cảnh báo chi tiết của các bản đồ này không cao.
Hơn nữa, các mô hình thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở chủ yếu áp dụng các phương pháp chuyên gia, tức số liệu về thống kê trượt lở sẽ chỉ tham gia vào bước đánh giá về mật độ các điểm trượt trên với các tác nhân gây trượt lở, từ đó các chuyên gia sẽ sử dụng làm thông tin tham khảo để gán trọng số cho các bản đồ tác nhân. Ở phương pháp chuyên gia, số liệu về trượt lở không tham gia trực tiếp vào quá trình tính toán mô hình. Đây chính là điểm hạn chế lớn nhất của các phương pháp chuyên gia.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả lựa chọn, tổng hợp nhiều phương pháp khác nhau và đã được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay trong công tác phân vùng cảnh báo các tai biến trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá. Các phương pháp này bao gồm các phương pháp thống kê; các phương pháp học máy; đồng thời, nhóm tác giả cũng tổng hợp các ứng dụng của các mô hình kết hợp để làm tăng độ chính xác cho mô hình (ví dụ như kết hợp mô hình thống kê và học máy, mô hình thống kê, học máy thành lập bản đồ nhạy cảm trượt lở kết hợp với mô hình lũ bùn đá). Việc sử dụng các mô hình kết hợp sẽ hạn chế các nhược điểm của các mô hình khi sử dụng đơn lẻ. 
Trên cơ sở tổng hợp các phương pháp và mô hình đã áp dụng cho công tác phân vùng tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét, nhóm tác giả đã đề xuất các phương pháp, mô hình thực hiện công tác phân vùng chi tiết nguy cơ các loại tai biến này ở 4 tỷ lệ 1:10.000, 1:5000, 1:2000 và 1:1000 phù hợp với đặc điểm tự nhiên khu vực miền núi, trung du và điều kiện kinh tế ở Việt Nam.
Ngoài ra, để đánh giá nguy cơ các tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét ở tỷ lệ lớn 1:2000 và 1:1000, các mô hình ổn định sườn dốc (xem các yếu tố ảnh hưởng đến sườn dốc, khi nào ổn định, khi nào trượt) và mô hình thủy văn cũng được áp dụng, kết hợp với các tham số địa chất công trình, cơ lý đất đá nhằm đánh giá chính xác nhất mối quan hệ giữa các tai biến này với các ngưỡng mưa, lượng mưa có trước và cường độ mưa trong lưu vực nghiên cứu thuộc xã Phìn Ngan tỉnh Lào Cai và xã Tam Chung tỉnh Thanh Hóa.
Khả năng ứng dụng thực tiễn cao
Theo TS. Đỗ Minh Hiển, nghiên cứu tổng hợp các phương pháp mang lại những tác động và lợi ích rõ rệt. Cụ thể, việc áp dụng các mô hình kết hợp giữa mô hình ổn định sườn và mô hình thủy văn với sự tác động của lượng mưa là một phương pháp được ứng dụng để thành lập bản đồ ổn định sườn dốc cho quy mô lưu vực. Các bản đồ kết quả của phương pháp sẽ có tính chính xác và khả năng ứng dụng thực tiễn cao.
Ngoài ra, các phương pháp xác định ngưỡng mưa cũng là một kết quả quan trọng góp phần quan trọng vào công tác dự báo về không gian và thời gian xảy ra các tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét. Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng vào công tác dự báo, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho các khu vực miền núi, trung du Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn, bền vững hơn ở các khu vực này.
Việc triển khai và thực hiện đề tài cũng nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trong công tác phân vùng dự báo nguy cơ tai biến địa chất ở tỷ lệ lớn cũng như việc xác định, phân tích, đánh giá một cách đồng bộ và bài bản hơn về mối quan hệ giữa các tác nhân chi phối và các loại hình tai biến địa chất; làm rõ hơn ảnh hưởng của yếu tố kích hoạt, cường độ khoảng thời gian mưa đối với sự xuất hiện các tai biến này.
Đối với các cơ sở, đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu, các sản phẩm chính của đề tài sẽ là nguồn tài liệu quý giá, hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng chống, giảm thiểu thiệt hai do thiên tai cũng như trong định hướng quy hoạch và mục tiêu phát triển bền vững của địa phương. Đồng thời, kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ đắc lực các cơ quan quản lý thiên tai như Tổng cục Phòng chống thiên tai, Chi cục Phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố, và các đơn vị phòng chống thiên tai cấp cơ sở trong công tác ra quyết định liên quan đến công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai.
Đặc biệt, đối với kinh tế - xã hội và môi trường, các sản phẩm của đề tài sẽ góp phần hỗ trợ các nhà lãnh đạo địa phương trong việc quy hoạch lãnh thổ và đưa ra các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Do đó, kết quả nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội các khu vực miền núi, trung du Việt Nam.