Chuỗi liên hoàn thiên tai từ bão lũ
Thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tính đến ngày 15/12/2024, trên khu vực biển Đông đã có 9 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ít hơn khoảng 2 cơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong đó có 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (các cơn bão số 2, 3, 4 và 6). Đặc biệt, bão số 3 (YAGI) được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Bão đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng với gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-15 (riêng trạm Bãi Cháy ở độ cao 34m quan trắc được gió mạnh cấp 14, giật cấp 17). Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, giật 12-14. Thành phố Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Về mưa lớn trên diện rộng, tính đến ngày 15/12, trên cả nước đã xảy ra 21 đợt. Trong đó, đáng chú ý là đợt mưa lớn từ đêm 6 - 12/9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 ở Bắc Bộ. Có tới 83/84 trạm đo ở Bắc Bộ ghi nhận lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với TBNN trong 10 ngày đầu tháng 9. Điển hình như: Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386mm, cao hơn 488%. Đợt mưa này đã gây lũ lớn ở Bắc Bộ và gây sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh vùng núi và trung du.
Nếu từ tháng 6 - 8, các sông ở Bắc Bộ chỉ có lũ nhỏ thì sang tháng 9, trên phần lớn các sông ở Bắc Bộ đã xuất hiện 1 đợt lũ lớn và lũ lịch sử do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi). Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Thái Bình, sông Hoàng Long và nhiều sông suối khu vực hạ lưu sông Hồng-Thái Bình và cửa sông ven biển đều vượt mức BĐ3.
Đặc biệt trên nhiều sông đã xuất hiện mức lũ lịch sử như sông Thao tại Lào Cai, Bảo Hà, Yên Bái; sông Chảy tại thủy điện Thác Bà; sông Đáy tại Phủ Lý; sông Cầu tại Gia Bẩy và Phúc Lộc Phương; sông Ninh Cơ tại Trực Phương; sông Kinh Môn tại An Phụ, sông Gùa tại Bá Nha, sông Trà Lý tại Thái Bình.Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội đã lên mức 11,30m, dưới BĐ3: 0,2m (mức lịch sử 20 năm qua), hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại lên mức 6,25m, trên BĐ3: 0,25m, là đỉnh lũ lớn nhất từ năm 2003 đến nay.
Lũ lớn kéo theo ngập lụt sâu diện rộng từ ngày 7-15/9 ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ (Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương...), gây thiệt hại lớn đến người và tài sản.
Trong năm 2024, do ảnh hưởng của các cơn bão, hoàn lưu bão, đợt mưa lớn kéo dài và mưa lớn cục bộ, đã gây ra một chuỗi thiên tai đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lũ quét và sạt lở đất. Cụ thể, đến nay đã xảy ra 39 đợt lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng trên phạm vi 32 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đặc biệt là ở khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ (thiệt hại nặng nề nhất các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Cao Bằng).
Tại khu vực Bắc Bộ, lũ quét và sạt lở đất tập trung chính từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 10; khu vực Bắc Trung Bộ tập trung từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10 (riêng tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra 2 điểm sạt lở đất ngay từ cuối tháng 1, 2); khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận và Bình Phước từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 11; khu vực Tây Nguyên từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 11.
Thời tiết bất ổn trong giai đoạn chuyển tiếp nóng – lạnh
Trong nửa đầu năm 2024, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino, sau đó chuyển dần sang trạng thái trung tính (nghiêng về pha lạnh) trong những tháng cuối năm 2024. Biểu hiện rõ rệt là các đợt nắng nóng, khô hạn vào nửa đầu năm và mưa lũ liên tiếp trong nửa cuối năm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, năm 2024, cả nước đã xuất hiện 19 đợt nắng nóng trên diện rộng. So lượng ít hơn 1 đợt so với năm 2023, tuy nhiên số ngày nắng nóng trong mỗi đợt kéo dài. Đặc biệt, ở miền Đông Nam Bộ, nắng nóng đã kéo dài liên tục trong 70 ngày (từ ngày 8/3 - 16/5), trong đó nắng nóng diện rộng ở Nam Bộ kéo dài 47 ngày (từ ngày 29/3 - 14/5). Nhiều giá trị kỷ lục về nhiệt độ đã được ghi nhận trong tháng 4/2024, có 110/186 trạm quan trắc trên cả nước ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử, đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị) nhiệt độ cao nhất ngày 28/4/2024 đo được là 44 độ C, đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay và lớn thứ 3 trong lịch sử đo đạc tại Việt Nam.
Tại Bắc Bộ, vào tháng 2/2024, sông Lục Nam tại Lục Nam, sông Thái Bình tại Phả Lại đã xuống mức thấp nhất lịch sử như. Dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%, thiếu hụt nhiều trên sông Thao và sông Lô từ 50-60%.
Tại Trung Bộ, từ tháng 4-6, tổng lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ 37-86%. Do đó, trong mùa khô năm 2024 xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ ở nhiều tỉnh, đặc biệt là 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Nam, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và sản xuất trên địa bàn các tỉnh. Nửa cuối tháng 4-5, hạn hán cục bộ xảy ra ở một số nơi chưa có công trình thủy lợi tại các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên.
Tại Tây Nguyên, tình trạng khô hạn, thiếu nước diễn ra gay gắt ở các khu vực ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Tại Nam Bộ, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 đến sớm hơn, gay gắt hơn TBNN và năm 2023. Từ tháng 2 - 4/2024, Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp (từ 8-13/2, từ 8/3-13/3, từ 7-12/4). Chiều sâu xâm nhập mặn 4g/l cao nhất từ đầu mùa hạn mặn năm 2024 đến nay trên sông Vàm Cỏ từ 90-122km, trên các cửa sông Cửu Long từ 45-70km, trên sông Cái Lớn từ 45-55km.
Vào mùa mưa bão, các tỉnh Bắc Bộ “quay cuồng” với đợt mưa lũ lịch sử do bão số 3, còn Bắc và Trung Trung Bộ đã xuất hiện 4 đợt lũ trên diện rộng và một số trận lũ cục bộ trên các sông. Lũ tập trung vào thời kỳ từ nửa cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 12. Mực nước đỉnh lũ cao nhất trên các sông ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ở mức BĐ2-BĐ3, riêng sông Bưởi (Thanh Hóa), sông Kiến Giang (Quảng Bình); các sông ở Nghệ An, thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; một số sông nhỏ trên BĐ3. Điển hình, từ ngày 26-29/10, mưa lũ lớn đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở các huyện phía Nam Quảng Bình như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tp. Đồng Hới...nhiều nơi nước ngập sâu từ 2-3m.
Liên tiếp xảy ra nhiều thiên tai nguy hiểm
Trong năm 2024, khu vực Vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão gây ra gió mạnh và sóng lớn. Trong đó, cơn bão số 3 (YAGI) đã gây độ cao sóng rất lớn cho khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Theo số liệu quan trắc ghi nhận trạm Cô Tô sóng cao 3,75-4,25m, Bãi Cháy sóng cao 2,25-2,75m và Hòn Dấu sóng cao 2,75-3,25m. Số liệu vệ tinh ghi nhận độ cao sóng trên khu vực Vịnh Bắc Bộ ngày 7/9/2024 dao động trong khoảng 5-7m, vùng gần tâm bão trên 7m. Gió mạnh và sóng lớn trong cơn bão YAGI đã đánh chìm nhiều tàu thuyền du lịch và đánh bắt, cũng như các bè nuôi trồng hải sản tại hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Thiệt hại đối với người dân địa phương rất nặng nề.
Cơn bão số 4 (SOULIK) đã gây ra sóng lớn cho vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với số liệu quan trắc ghi nhận tại trạm Cồn Cỏ 2,75-3,25m. Cơn bão số 6 (TRAMI) gây sóng lớn trên vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa với số liệu tại trạm hải văn Cồn Cỏ ghi nhận độ cao sóng lớn nhất đạt 4 - 5m; trạm Lý Sơn đạt 2 - 3,5m; trạm Sơn Trà đạt 3 - 4m.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định: Cơn bão số 3 đã gây nước dâng lớn cho ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng, tại trạm Trà Cổ ghi nhận mực nước dâng kỷ lục lên đến 2,0m. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đổ bộ vào thời kỳ triều thấp nên không gây ngập lụt các các khu vực ven biển của các tỉnh này. Trong khi đó, cơn bão số 4 và số 6 mặc dù gây nước dâng không cao, chỉ khoảng 0,5-0,8m, tuy nhiên bão lại đổ bộ vào thời kỳ triều cao, đồng thời trường gió Đông Bắc trước và sau khi bão đổ bộ duy trì nhiều ngày đã gây ra sóng lừng lớn. Tương tác giữa sóng, nước dâng và thủy triều đã gây ra ngập úng nhiều nơi và sạt lở đê biển tại khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Tính đến giữa tháng 11/2024, tại ven biển phía Đông Nam Bộ đã có 3 đợt triều cường (từ ngày 4 - 8/10; ngày 2 - 6/11 và ngày 13-19/11). Nhiều khu vực trũng thấp tại các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ và trên các lưu vực sông trong TP. Hồ Chí Minh bị ngập úng, gây ảnh hưởng lớn cho sinh hoạt cũng như cuộc sống của người dân ở các khu vực này.
Năm 2024, ven biển phía Tây Nam Bộ không ghi nhận đợt gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nào kèm theo sóng lớn, nước dâng kết hợp với triều cường gây sạt lở đê biển hay ngập úng các khu vực trũng thấp.
Trong năm đã xảy ra nhiều đợt mưa dông trên diện rộng kèm các hiện tượng dông, lốc, sét gây thiệt hại về người và tài sản. Do mưa lớn cục bộ, ngập lụt tại các vùng trũng, thấp và các đô thị đã xảy ra tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên. Lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra tại các tỉnh vùng núi như: Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn.
Ngoài ra, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng từ 18 đợt không khí, gây ra 3 đợt rét đậm, rét hại. Riêng từ ngày 23-28/1, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét hại. Trên vùng núi cao phía Bắc của Bắc Bộ một số nơi đã xuất hiện băng giá như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Phia Oắc (Cao Bằng)... tại trạm Mẫu Sơn đã quan trắc được nhiệt độ thấp nhất là -3,0 độ C.