Tăng cường quan hệ hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong các hoạt động BVMT và ứng phó với BĐKH

Email :
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc chính thức tại Hoa Kỳ và với Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thăm trụ sở của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington DC, hội đàm với Phó Chủ tịch khu vực Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển bền vững Juergen Voegele, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam Carolyn Turk cùng với một số lãnh đạo cấp cao của WB ngày 12/5/2022.
Tại cuộc họp, hai bên trao đổi về tình hình hợp tác trong thời gian qua trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên mà hai bên cùng quan tâm. Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin tới các Lãnh đạo cấp cao của WB về những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt liên quan đến biến đổi khí hậu, suy giảm và cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, v.v, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường thời gian vừa qua và hiện nay.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ về cam kết mạnh mẽ gần đây của Việt Nam tại COP26 tại Vương quốc Anh về cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” đến năm 2022, nhấn mạnh, đây là một quyết định khó khăn, một mục tiêu tham vọng nhưng rất đúng đắn, kịp thời và cần thiết. Việt Nam đang tích cực tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện những cam kết này, cụ thể là thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, điều chỉnh kế hoạch phát triển năng lượng tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tại,…
Đồng thời, Việt Nam cũng đang nghiên cứu lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp hơn với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam và xu thế phát triển chung của toàn cầu, theo đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế theo định hướng kinh tế xanh, các bon thấp, áp dụng tối ưu và triệt để các mô hình kinh tế tuần hoàn, không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động, phát triển kinh tế đi đôi với phục hồi và bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, coi trọng mối quan hệ hợp tác với WB, đánh giá cao vai trò quan trọng của WB, là một trong những đối tác phát triển đã luôn đồng hành, hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể thông qua một số hoạt động hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước, hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường,… Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn
WB tiếp tục đóng vai trò là đối tác tích cực trong hợp tác, hỗ trợ những ưu tiên của Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới như Luật Đất đai sửa đổi; đánh giá, lựa chọn các mô hình đầu tư, kinh tế phù hợp, hiệu quả, quản lý bền vững tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng sạch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thực hiện có hiệu quả cam kết của Việt Nam tại COP26 là một trong các hoạt động trọng tâm giai đoạn tới. Bộ trưởng đề nghị WB hỗ trợ Việt Nam xây dựng và vận hành thị trường các bon tại Việt Nam; xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam và tiến bộ khoa học, xu hướng phát triển chung của Thế giới.
Đại diện Lãnh đạo của WB đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, chia sẻ những thách thức về thiên nhiên và môi trường mà Việt Nam đang phải đối mặt. Phía WB cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch thế nào để thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết tại COP26. Lãnh đạo cấp cáo của WB cũng ghi nhận những quan tâm và ưu tiên của Việt Nam mà Bộ trưởng chia sẻ đồng thời cam kết tiếp tục đồng hành, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm tốt vai trò điều phối, tham mưu cho Chính phủ thực thi những cam kết và các kế hoạch hành động liên quan của Việt Nam thời gian tới.