Dấu ấn Việt Nam và lộ trình thực hiện cam kết tại COP 26

Email :
Tại phiên họp Hội nghị Thượng đỉnh COP26, Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ cho ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Để thực hiện những cam kết này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - thường trực Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu đã đưa ra kiến nghị về hàng loạt các hành động của Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan.
 

Dấu ấn Việt Nam

Tại COP 26, lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030. Và kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển phải chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm mê-tan.

Việt Nam cũng đã tham gia Tuyên bố tập trung vào vai trò và mối tương quan giữa rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững, góp phần đạt được sự cân bằng giữa phát thải khí nhà kính do con người gây ra và hấp thụ khí nhà kính tự nhiên, thích ứng với BĐKH.

Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của
Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam. 

“Bắt tay” triển khai ngay lộ trình thực hiện sau COP 26

Để thực hiện các cam kết tại COP 26, Bộ TN&MT đang đề xuất với Chính phủ sớm ban hành một loạt các văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở triển khai như: Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn; Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia để triển khai thực hiện; Đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam… Đây là những văn bản pháp lý, công cụ để thực hiện các cam kết về ứng phó với BĐKH của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về BĐKH; thành lập Ban chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng BĐKH và phát triển năng lượng tái tạo; Hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050...

Cùng với đó, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các nỗ lực đóng góp giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, trong đó có giảm khí mê-tan trong nông nghiệp đến năm 2030; Rà soát các dự án trao đổi tín chỉ cacbon từ rừng. Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045; Xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Nghiên cứu đánh giá, đề xuất chủ trương Việt Nam tham gia sáng kiến Nhóm đi đầu về chuyển đổi công nghiệp. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu về sự phù hợp tham gia tuyên bố chấm dứt việc sản xuất xe chạy bằng xăng, dầu từ nay đến năm 2040; Xây dựng lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch…

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành tổ chức thực hiện các nghiên cứu phát triển năng lượng mới như năng lượng hydro, năng lượng sóng biển, địa nhiệt, phương án phát triển điện hạt nhân; Tổ chức xây dựng và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến công nghệ ứng phó với BĐKH. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tài chính phục vụ chuyển đổi dự án theo Cơ chế phát triển sạch sang dự án theo Cơ chế đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với BĐKH và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết….