Trải qua 76 năm xây dựng và trưởng thành, qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc góp phần phục vụ hiệu quả công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước
* Ra đời cùng đất nước
Một tháng sau ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự kiện lịch sử sáp nhập cơ quan Khí tượng Thủy văn (KTTV) thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3/10 cũng trở thành ngày truyền thống của ngành KTTV Việt Nam hôm nay.
Trải qua 76 năm phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành KTTV đã không ngừng phát triển lớn mạnh, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ sự bình an cho đời sống sinh hoạt của người dân. Nền móng của sự phát triển vững mạnh đó được dựng xây, kiến tạo bởi lớp lớp các thế hệ cha anh; trong đó không thể không nhắc đến người “tư lệnh” đầu tiên của ngành KTTV - cố Giáo sư, Nhà giáo Nguyễn Xiển, Giám đốc Nha Khí tượng (tiền thân của Tổng cục KTTV ngày nay).
Đánh giá về vai trò của cố Giáo sư Nguyễn Xiển, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái khẳng định: “Cố Giáo sư Nguyễn Xiển là người đã đặt nền móng và xây dựng ngành KTTV trên các lĩnh vực, từ cơ sở vật chất, thiết lập mạng lưới trạm, nghiên cứu khoa học cơ bản, ứng dụng như bản đồ phân vùng khí hậu Việt Nam được thực hiện và ban hành trong giai đoạn 1960 - 1970. Đến ngày nay, đó vẫn là nền tảng cho sự phát triển của ngành KTTV. Cố Giáo sư Nguyễn Xiển đã tạo ra một hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KTTV, đưa lĩnh vực KTTV vào phục vụ cuộc sống”.
Đến nay, ngành KTTV đã trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Họ đã tạo dựng những bước đi vững chắc giúp toàn ngành KTTV không ngừng vượt qua khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, để ngành KTTV phải là một ngành phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển đất nước và cộng đồng quốc tế. Như câu nói của nguyên Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc: “Ở đâu có vùng trời, vùng biển và lãnh thổ của Việt Nam thì ở đó có hoạt động KTTV và sự hiện diện của cán bộ, nhân viên ngành KTTV Việt Nam”.
* Trưởng thành mạnh mẽ
Nối tiếp truyền thống lịch sử vẻ vang, trong hơn 1 thập kỷ gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành KTTV Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, từng bước phát triển hiện đại hệ thống quan trắc KTTV, xây dựng mạng lưới thông tin với cơ sở dữ liệu lớn khai thác và áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro do thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội đất nước theo định hướng phát triển bền vững.
Một trong những mốc son của ngành là sự ra đời của Luật KTTV 2015; đánh dấu bước chuyển căn bản, toàn diện hệ thống pháp luật về KTTV, cơ bản giải quyết toàn bộ những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với lĩnh vực KTTV, góp phần hoàn chỉnh thêm một bước hệ thống pháp luật của ngành Tài nguyên và Môi trường. Luật không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các lĩnh vực chuyên môn về KTTV, mà còn tạo ra khung khổ pháp lý, bảo đảm điều kiện cho hoạt động KTTV phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ cơ sở pháp lý đó, trong những năm qua, ngành KTTV Việt Nam đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc đầu tư nâng cấp mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại, đồng bộ. Chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu.
Mạng lưới trạm KTTV được phát triển đã giúp cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV có những chuyển biến rõ rệt cả về lượng và chất cũng như đa dạng hóa hình thức thông tin hướng đến từng đối tượng sử dụng. Cụ thể, mở rộng thời hạn dự báo thời tiết tới 10 ngày và chi tiết cho trên 600 điểm; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-90%.
Đối với bão/ATNĐ giai đoạn đầu năm 2000 vẫn chỉ dự báo 24 giờ, nhưng đến hiện tại đã nâng dự báo bão/ATNĐ lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày. Bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã có độ chính xác dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, giảm sai số từ 250-300 km trước những năm 2010 ở hạn dự báo 48h xuống khoảng 120-150 km trong những năm gần đây. Cùng với đó, chất lượng dự báo thủy văn hàng ngày đạt 80-85%; hạn vừa đạt từ 75-80%; hạn dài đạt 65-70%.
Với việc cải thiện chất lượng quan trắc, cảnh báo và dự báo KTTV, năm 2018, ngành KTTV Việt Nam đã góp phần làm giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017. Đặc biệt, năm 2019, nhờ dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn, khốc liệt và nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhưng mức độ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh được giảm thiểu, đặc biệt là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chỉ bằng khoảng 9% so với năm 2016. Ngay từ tháng 8 năm nay, đã có bản tin nhận định sớm về nguồn nước và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm và nửa đầu năm sau.
Trên trường quốc tế, ngành KTTV Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế của mình. Một số dấu ấn có thể kể đến như: Năm 2011, Việt Nam được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) lựa chọn là điểm xây dựng dự án Trình diễn thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á và phát triển thành Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực. Đến năm 2017, Việt Nam tiếp tục được WMO chọn là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á về cảnh báo lũ quét. Năm 2021, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, lần thứ 2 được tín nhiệm tái đắc cử vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng khu vực II Châu Á (RA-II). Đây là sự ghi nhận của cộng đồng KTTV quốc tế đối với ngành KTTV Việt Nam trong những năm qua…
* “Đi trước một bước”
Để “đi trước một bước”, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa, ngành KTTV đang hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển ngành KTTV đạt trình độ, năng lực tiệm cận các nước tiên tiến của khu vực châu Á; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu trong điều hành chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành được thị trường KTTV phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.
Đặc biệt, để nối tiếp thành quả của các thế hệ đi trước, ngành KTTV hôm nay đặc biệt trú trọng công tác đào tạo, phát triển lớp cán bộ KTTV trẻ, năng động với đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nắm chắc khoa học công nghệ. Thực tế cho thấy, rất nhiều cán bộ trẻ đang phát huy được khả năng của mình, xứng đáng với niềm tin của ngành, như lời Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái từng khẳng định: “Chúng tôi nhìn thấy một thế hệ trẻ đang vươn lên và tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo, thế hệ trẻ toàn ngành KTTV sẽ trưởng thành, từng bước làm chủ công nghệ, làm chủ công việc. Đó là một “thế hệ thay thế” hết sức xứng đáng”.