Tập trung đổi mới, hiện đại hóa ngành Khí tượng Thủy văn

Email :
Mỗi nhiệm kỳ Đại hội là một chặng đường phát triển, đánh mốc son ghi dấu sự trưởng thành của Đảng bộ Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT). Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Tổng cục tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung trí tuệ lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng cục Khí tượng thủy văn lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. 

Dấu ấn một chặng đường

Giống như trên một con thuyền, sau mỗi chặng đường, chuẩn bị lấy sức để đi tiếp, ai cũng muốn biết về những nhận định, đánh giá và cả những suy nghĩ, tâm tư của “người chèo lái”. Nói về dấu ấn chặng đường 5 năm qua, đồng chí Trần Hồng Thái, Bí thư Đảng uỷ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) cho biết, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, dù vẫn còn những khó khăn nhưng với nỗ lực và quyết tâm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ, toàn ngành KTTV đã có những bước tiến vượt bậc.

Đảng ủy Tổng cục đã tập trung chỉ đạo toàn bộ hệ thống, đặc biệt, các đơn vị trực tiếp tác nghiệp dự báo, cảnh báo đảm bảo dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng KTTV nguy hiểm phục vụ công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, của đất nước.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, nhiều tiến bộ khoa học, trang thiết bị, công nghệ mới đã được triển khai ứng dụng có hiệu quả vào công tác dự báo, cảnh báo KTTV; công tác dự báo cảnh báo KTTV đã từng bước được hiện đại hóa và hoàn thiện; nhiều dự án hiện đại hóa công tác dự báo đã được thực hiện nhằm nâng cao năng lực dự báo; hình thức và nội dung các bản tin dự báo KTTV.

Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục KTTV khóa V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội. Ảnh: Hoàng Minh

“Các bản tin dự báo KTTV đã không ngừng được cải tiến theo hướng gần gũi, dễ hiểu hơn đối với người dân, chú trọng đến đầu tư phát triển công nghệ phục vụ dự báo điểm chi tiết cho khoảng 600 điểm trên toàn quốc. Đặc biệt, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã chính thức công nhận Việt Nam là một mắt xích quan trọng, một thành viên chủ động trong công tác KTTV của thế giới ở khu vực Châu Á”, Bí thư Đảng ủy Trần Hồng Thái nói.

Để đảm bảo được hoạt động quản lý Nhà nước và tác nghiệp về dự báo, công tác quản lý mạng lưới trạm KTTV đã từng bước được hiện đại hóa và xã hội hóa. Đảng ủy Tổng cục đã lãnh đạo cấp ủy đảng các đơn vị nghiệp vụ, đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống thông tin chuyên ngành và hệ thống máy chủ; hệ thống kênh thông tin quốc tế (GTS và WIS)... thông suốt trong mọi tình huống.

Từ những thành quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy Tổng cục đã được chú trọng từ việc xây dựng Kế hoạch học tập, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết một cách toàn diện; luôn đảm bảo yêu cầu triển khai và cụ thể hóa đưa Nghị quyết vào thực tế hoạt động của đơn vị đặc thù như: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.

Nhìn thẳng “thách thức”

Cùng với những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn còn những khó khăn.

Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, gắn với tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KTTV còn hạn chế do nguồn lực còn hạn hẹp. Hầu hết các tỉnh chưa xây dựng cơ sở dữ liệu KTTV; chưa lập kế hoạch bố trí quỹ đất cho đầu tư phát triển mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn; một số tỉnh chưa thực hiện lồng ghép nhiệm vụ giám sát biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tình trạng vi phạm hành lang kỹ thuật công trình KTTV vẫn còn diễn biến phức tạp.

“Đảng ủy Tổng cục KTTV sẽ tăng cường nắm bắt tình hình, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên trong toàn Đảng bộ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên đề 100% tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Tổng cục KTTV, nắm tình hình và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các vi phạm kỷ luật Đảng. Nâng cao chất lượng chi bộ và đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ”.

 Đồng chí Trần Hồng Thái, 

Ủy viên BTV Đảng ủy Bộ TN&MT, Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV

Khó khăn hơn, mạng lưới trạm quan trắc KTTV tại một số vùng còn rất thưa, công tác xã hội hóa và kinh tế hóa ngành mới bước đầu được triển khai nên kết quả thu được còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho phát triển mạng lưới quan trắc, khoa học kỹ thuật,  năng lực dự báo… còn hạn hẹp; chưa tăng được nguồn thu để tái đầu tư cho ngân sách nhà nước và đầu phát triển ngành KTTV… “Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề xây dựng kế hoạch cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của một số đảng viên chưa sát thực nên hiệu quả còn hạn chế; việc phát hiện, xây dựng và nhân rộng những cách làm hay, những mô hình điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở cơ sở chưa được đẩy mạnh; việc đổi mới nội dung sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chuyên đề tại một số chi bộ trực thuộc còn hạn chế...”, đồng chí Trần Hồng Thái nhìn nhận.

Hiện đại hóa ngành là nhiệm vụ then chốt

Nhận thức rõ nét những thách thức cần giải quyết, Đảng bộ Tổng cục KTTV đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025; trong đó, coi hiện đại hóa ngành là mục tiêu chiến lược.

Bí thư Đảng ủy Trần Hồng Thái cho biết, Tổng cục tập trung cho hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy chế, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động KTTV; nhất là việc xây dựng các đề án, văn bản, chiến lược trình Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của Bộ TN&MT.

Tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chiến lược Phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án “Tăng cường công tác KTTV đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh của Đất nước” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét.

Đảng bộ Tổng cục KTTV trực thuộc Đảng bộ Bộ TN&MT là một trong những đơn vị đặc thù, có nhiều loại hình tổ chức cơ sở Đảng đan xen (trong tổng số 22 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, có 10 Đảng bộ cơ sở, 6 Chi bộ cơ sở và 6 Chi bộ trực thuộc). Các Chi bộ, đảng viên sinh hoạt trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến vùng Tây Nguyên.

Trong công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai KTTV, đồng chí Trần Hồng Thái nêu rõ, Tổng cục sẽ tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới thực hiện dự báo tác động của KTTV đến các ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội; bản tin dự báo thời tiết thể hiện chi tiết đến từng thành phố, thị xã trên toàn quốc. Đặc biệt, đồng bộ và hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV, nâng cao chất lượng dịch vụ, thời hạn cảnh báo và dự báo. Tự động hóa quá trình tác nghiệp dự báo KTTV.

Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Tổng cục sẽ hiện đại hóa mạng lưới quan trắc cho khu vực phía Bắc, vùng núi cao nơi thường xảy ra mưa, bão với cường độ lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và hiện chưa có trạm quan trắc tự động mang tính chất đồng bộ (Tây Bắc, Việt Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ); tăng cường các trạm quan trắc KTTV, hải văn tự động dọc ven biển, hải đảo nơi mạng lưới trạm còn thưa… số lượng trạm được đầu tư hiện đại hóa và tăng cường dự kiến khoảng 150 trạm.

Bên cạnh đó, triển khai xã hội hóa phát triển mạng lưới quan trắc KTTV, tiếp tục đan dày mạng lưới đo mưa tự động, đặc biệt cho vùng núi cao nơi thường xảy ra mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất theo hình thức thuê dịch vụ với số lượng dự kiến khoảng 1.000 điểm đo mưa tự động độc lập. Quản lý chặt chẽ hoạt động của mạng lưới trạm KTTV trên toàn quốc, chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh trên mạng lưới KTTV quốc gia.

Ngoài những nỗ lực trên của ngành Khí tượng thủy văn, một yếu tố quan trọng khác cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công trong tiến trình phát triển, hiện đại hóa ngành Khí tượng thủy văn chính là sự quan tâm, chung tay góp sức của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, phối hợp tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa sâu rộng Luật Khí tượng Thủy văn đến với cộng đồng để Luật thực sự đi vào cuộc sống.