Sáng ngày 11/01 tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Dự án Hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia SPI-NAMA. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Môi trường Việt Nam – Nhật Bản. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Ông Naomichi Murooka, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam.
Dự án “Hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia SPI-NAMA” được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và (JICA) khởi động vào tháng 2/2015.
Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao năng lực của cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam trong việc lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ theo phương thức MRV, với hai trụ cột hoạt động chính gồm: tăng cường năng lực lập kế hoạch và điều phối của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tăng cường năng lực lập kế hoạch và thực hiện của cơ quan thuộc chính quyền một địa phương cụ thể. Trong khuôn khổ đó, Thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn là Thành phố thí điểm, đã triển khai một số hoạt động của dự án nhằm tăng cường năng lực thực hiện Kế hoạch hành động Ứng phó với biến đối khí hậu thông qua khuôn khổ Kiểm kê khí nhà kính và MRV cấp đô thị tại một quốc gia đang phát triển do JICA hỗ trợ.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cảm ơn sự hỗ trợ của JICA, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo dự án đã giúp đỡ Cục Biến đổi khí hậu trong việc xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định về Lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hoàn thiện dự án và đề nghị JICA tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực kỹ thuật trong và ngoài nước ngay trong thời gian tới để việc xây dựng các văn bản hướng dẫn cấp ngành, cấp địa phương và thực hiện Nghị định được hiệu quả.
Về kết quả của Dự án thực hiện từ năm 2015 cho tới nay, Cục trưởng cho biết: “dự án SPI-NAMA đã đạt được rất nhiều các hạng mục công việc có ý nghĩa đối với quá trình xây dựng chính sách, hướng dẫn cho việc lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia”, các kết quả cụ thể của Dự án:
Một là: Hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng Dự thảo Nghị định về Lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việc hỗ trợ này bao gồm các đánh giá tác động chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; nghiên cứu và phân tích lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo NDC của Việt Nam; và đề xuất xây dựng cơ chế hình thành hệ thống MRV quốc gia và hoàn thiện hệ thống kiểm kê phát thải khí nhà kính.
Các nghiên cứu đã phục vụ việc xây dựng Dự thảo Nghị định về Lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định. Cho tới nay, Dự thảo Nghị định cơ bản đã được xây dựng đầy đủ và đã trình Chính phủ xem xét ban hành.
Hai là: Bộ TNMT đã hoàn thiện đánh giá nhu cầu công nghệ các-bon thấp nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Đánh giá nhu cầu công nghệ các-bon thấp này đã nhận được sự góp ý tích cực của các Bộ, ngành liên quan và sẽ hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện Nghị định nêu trên và việc cập nhật NDC trong thời gian tới.
Ba là: Hợp phần do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cho Hệ thống kiểm kê phát thải khí nhà kính và Hệ thống MRV các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng đã hoàn thiện. Các hướng dẫn này sẽ được UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành trong năm 2018 và sẽ là cơ sở cho việc triển khai rộng hơn ra các tỉnh, thành phố khác sau khi có các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể liên quan tới giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn quốc. TP Hồ Chí Minh cũng đang tiến hành nghiên cứu, thí điểm cho cảng biển và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cấp thành phố về kiểm kê phát thải khí nhà kính và Hệ thống MRV để nhân rộng cho các ngành khác.
Cục trưởng cũng thông tin về giai đoạn tiếp theo của dự án SPI-NAMA, được gọi là dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (SPI-NDC)” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 597/QĐ-TTg ngày 25/5/2018. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và JICA để xây dựng văn kiện dự án này.
Để triển khai Dự án trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Cục trưởng Tăng Thế Cường đề nghị các vị đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận các nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, Định hướng các ứng dụng các kết quả của dự án, đặc biệt trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là các văn bản hướng dẫn cấp ngành, cấp địa phương để thực hiện Lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
Thứ hai, định hướng các hoạt động cua dự án SPI-NDC trong những năm tới; và
Thứ ba, định hướng công tác thúc đẩy sự tham tích cực hơn của các bên liên quan như khối tư nhân, báo chí, cộng đồng trong công cuộc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam chúng ta.
Tại Hội thảo, các đại biểu của Việt Nam và Nhật Bản đã trình bày thảo luận các chuyên đề: Kết quả chính của Dự án SPI-NAMA, các hoạt động thực hiện năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tiến trình thực hiện Chính sách biến đổi khí hậu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Kết quả chính các hoạt động thực hiện năm 2018 của Thành phố Hồ Chí Minh; Nghiên cứu tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các tòa nhà và đề xuất công cụ chính sách nhằm tăng cường Kế hoạch hành động ứng phó; Tăng cường năng lực Kiểm kê khí nhà kính; Nghiên cứu khả thi áp dụng công nghệ phát thải thấp (các bon thấp) trong các tiểu lĩnh vực giao thông/ tiết kiệm năng lượng; Giới thiệu dự thảo Kế hoạch công tác năm 2019 của dự án SPI-NAMA.
Theo monre.gov.vn 11/1/2019