Mong mỏi lớn nhất là Quốc hội thông qua được một đạo luật chất lượng, giải quyết những điểm nghẽn, gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.
Người dân chủ động tham gia xây dựng Luật
Có lẽ sau đợt lấy ý kiến nhân dân xây dựng Hiến pháp 2013, đợt lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai lần này diễn ra sâu rộng nhất trong những năm trở lại đây. Chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi, từ 3/1/2023 đến 15/3/2023, cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ TN&MT đã nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân với đạo luật hết sức quan trọng này.
Không phải ngẫu nhiên mà sửa Luật Đất đai lại thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý kiến như vậy. Bởi bộ luật này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người. Trong số các ý kiến gửi đến Ban soạn thảo, có những ý kiến nêu trực tiếp những bất cập trong quản lý, sử dụng mảnh đất cụ thể của mỗi người dân. Từ việc định giá của mảnh đất mình có ra sao đến việc nếu thu hồi thì người dân có quyền lợi và trách nhiệm gì; từ việc chuyển ruộng lúa, bờ tre thành đất xây dựng nhà cửa, khu công nghiệp cần điều kiện gì đến việc làm thế nào để có thể làm “sổ đỏ” một cách chính danh…
Từ đó có thể thấy, sự chuyển biến trong xây dựng luật pháp ở Việt Nam thời gian gần đây. Đây không còn chỉ là việc của các nhà lập pháp mà đã là việc của toàn thể người dân. Luật pháp không chỉ là những chế tài, những khuôn phép chặt chẽ nhất nhất phải tuân theo, mà luật pháp còn bảo vệ quyền lợi, bảo vệ tư liệu sản xuất, không gian sinh tồn của mỗi người dân.
Trong buổi lấy ý kiến nhân dân, ông Chu Văn Thịnh (tổ dân phố số 3, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, nếu trân trọng đất thì quốc gia đó sẽ thịnh vượng. Phải có sự chuyển động mạnh mẽ trong nhận thức và hành động thì mới khai thác hết “sữa của mẹ đất”. Trong thu hồi đất, bồi thường chỉ thấy lợi ích của Nhà nước thôi là không đủ, mà phải tạo thuận lợi cho dân, để từ đó đổi mới chính sách.
Trong đợt lấy ý kiến lần này, người dân có cơ hội “nói lời gan ruột” như một cách để thể hiện chính kiến, nguyện vọng của mình trong xây dựng luật pháp.
Bên cạnh những ý kiến cụ thể của mỗi người dân là hàng triệu ý kiến đóng góp chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu với tâm thế cởi mở, thẳng thắn, sẵn sàng chỉ ra những bất cập của thực tế, bất cập của Dự thảo Luật và đề xuất những phương án khả thi.
Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tùy lĩnh vực hoạt động của mình, cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo những nghiên cứu, đánh giá mang tính đặc thù.
Sau đợt lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trong và ngoài nước với nhiều phương thức trực tiếp và trực tuyến, cử tri một lần nữa được góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai trên diễn đàn Quốc hội. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian cho Dự thảo này. Ngày 9/6, 19 tổ với gần 500 đại biểu Quốc hội đã đưa ra hàng trăm ý kiến tổng hợp góp ý vào Dự thảo Luật. Và ngày 21/6, Dự thảo Luật sẽ được đưa ra hội trường để góp ý một cách toàn diện, Ban soạn thảo, Chính phủ cũng có cơ hội để làm rõ các nội dung về những ý kiến chưa thống nhất.
Nhìn nhận lại kết quả đợt lấy ý kiến nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ý kiến góp ý của nhân dân không chung chung mà rất cụ thể, có phân tích và chỉ rõ những điểm không hợp lý, đề xuất đến từng điều, khoản. Trên cơ sở đó, dự án Luật Đất đai trình Quốc hội lần này được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kĩ lưỡng với dung lượng đồ sộ.
Chia sẻ về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo chứng tỏ sự quan tâm của nhân dân và rất nhiều việc cần giải quyết, Thủ tướng mong Luật khi được Quốc hội ban hành sẽ góp phần quan trọng trong giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Lắng nghe cởi mở, tôn trọng tiếp thu
Sau khi thu nhận được hơn 12 triệu ý kiến, từ ngày 16/3, Ban soạn thảo và các cơ quan Chính phủ đã làm việc có trách nhiệm để hoàn thiện Dự thảo và trình Quốc hội văn bản chính thức vào ngày 29/5.
Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến nhân dân, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và Hiến pháp, phù hợp tình hình thực tiễn; không nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để nghiên cứu luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả, giải phóng tối đa các nguồn lực phát triển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bám sát quá trình sửa đổi Luật Đất đai từ khi ông còn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, luôn yêu cầu phải lắng nghe, khái quát từ thực tiễn để phản ánh chính xác tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở mỗi vùng, miền với đặc trưng văn hóa, điều kiện kinh tế, tự nhiên khác nhau.
Trong khoảng thời gian 2 tháng rưỡi tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đã không kể ngày đêm, ngày nghỉ, chia các nhóm theo các nội dung của Dự thảo để nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách nghiêm túc trên tinh thần “có đến đâu làm đến đó”.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, ngay khi nhận được các ý kiến góp ý gửi về, cơ quan soạn thảo đã chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình ngay mà không chờ đến khi tổng hợp hết các ý kiến.
Tiếp thu tối đa song phải lựa chọn những ý kiến xác đáng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là sản phẩm trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp… Việc tiếp thu ý kiến đóng góp vào nội dung Dự thảo Luật phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn bộ dự án Luật, bám sát thực tiễn và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không "đẽo cày giữa đường".
Dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng
Quả thực, việc lấy ý kiến nhân dân hiệu quả, thiết thực đã mang lại cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hơi thở từ cuộc sống. So với bản Dự thảo công khai lấy ý kiến nhân dân đầu năm 2023 thì bản Dự thảo gửi Quốc hội lấy ý kiến lần này được Ủy ban Kinh tế đánh giá là “có bước tiến quan trọng về chất lượng”.
Đơn cử như vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là thu hồi đất đã có sự thay đổi lớn trong Dự thảo lần này. Theo Ủy ban Kinh tế, so với bản Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và Dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân, Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đã có sự thay đổi lớn theo hướng cụ thể hơn, liệt kê tới 31 trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: Thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; Thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.
Còn quy định về phát triển quỹ đất được đánh giá: “Định hướng thiết kế các quy định về phát triển quỹ đất tại Dự thảo Luật cho thấy tư duy mới về “Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư và các dự án tái định cư”.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình.
Tại cuộc họp Tổ ngày 9/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc xây dựng Luật Đất đai cần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để nghiên cứu sửa Luật, và cho rằng, không thể đòi hỏi một lần sửa đổi giải quyết được hết vướng mắc, bao phủ được hết góc cạnh của cuộc sống, nhưng phải cố gắng giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, vì đây là nguồn lực quan trọng của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, dự án Luật vừa phải giải quyết vấn đề có tính thực tiễn, vừa phải có tầm nhìn mang tính dự báo, từ đó sửa đổi mang tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược hơn để khi Luật ra đời đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.