Lắng nghe, cầu thị để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi)

Email :
Sau thời gian tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gấp rút tiến hành phân loại, giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT), Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về một số vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả của đợt tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa qua?

Ông Đào Trung Chính: Thực tế, việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội hết sức sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có sự tham gia trực tiếp của Bộ Ngoại giao thông qua cơ quan đại diện, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài), các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước đến từng thôn, xóm, khu phố và người dân… Nhiều báo đài, tạp chí đã mở chuyên mục để người dân góp ý về các nội dung của Dự thảo Luật. 

Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên môn sâu, theo chuyên đề đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức công phu, thể hiện tính chủ động và sự quan tâm sâu sắc của toàn dân đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, nhiều cá nhân cũng dành tâm huyết để nghiên cứu, góp ý trực tiếp, cụ thể, chi tiết đối với Dự thảo Luật.

Tính đến hết ngày 15/3/2023 - ngày kết thúc lấy ý kiến theo Nghị quyết 671, website luatdatdai.monre.gov.vn của Bộ TN&MT đã nhận được 7.979 lượt ý kiến góp ý trực tiếp và 75 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp (trong đó có 22 ý kiến là của tổ chức và 53 ý kiến của cá nhân). Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đã nhận được 98 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp, trong đó có 36 tổ chức, còn lại là của công dân. Bộ TN&MT còn tổng hợp toàn bộ ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức (gửi báo cáo về Bộ TN&MT) để tiếp thu giải trình.

Tính đến trưa ngày 24/3, đã có 46 tỉnh, thành phố; 31 bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, Quốc hội; 1.968 ý kiến trên cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Chúng tôi hết sức trân trọng sự quan tâm này của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

PV: Qua tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ông nhận định gì về các ý kiến góp ý? Các ý kiến tập trung vào các nhóm nội dung cụ thể nào, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính: Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, đánh giá Dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

 

Phần lớn các ý kiến góp ý vào các nội dung: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận; vai trò của UBND cấp xã; phát triển quỹ đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các Luật có mâu thuẫn, chồng chéo với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

PV: Như vậy, các ý kiến nhận được rất phong phú, từ nhiều góc nhìn khác nhau, thậm chí có trường hợp mâu thuẫn. Làm thế nào để tiếp thu được tối đa các ý kiến và dựa trên các tiêu chí nào, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính: Để đảm bảo tiến độ được giao, cơ quan soạn thảo đã thực hiện đồng thời việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, từ 15/3, Bộ TN&MT, Tổ biên tập đã tập trung giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân trên tinh thần “có đến đâu làm đến đó”.

Thời gian qua, các ý kiến góp ý đều được Bộ TN&MT, Tổ biên tập phân tích kỹ lưỡng, đồng thời có trao đổi với các một số cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành liên quan để thống nhất trong Dự thảo Luật.

Những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất sẽ được cơ quan soạn thảo tập hợp, báo cáo chi tiết với Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể. Việc tiếp thu, giải trình ý kiến được thực hiện chi tiết từng ý kiến của cá nhân, tổ chức và được tập hợp, tổng hợp báo cáo kết quả đến Chính phủ, Quốc hội cũng như đăng tải công khai theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về tiêu chí tiếp thu, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật trên tinh thần những ý kiến nào phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng, đồng bộ với các pháp luật có liên quan và có giá trị thực tiễn thì tiếp thu, những vấn đề trái chủ trương thì giải trình cho rõ, những vấn đề có giá trị về mặt thực tiễn nhưng chưa có trong Hiến pháp, chủ trương của Đảng, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

PV: Như ông đã trao đổi, vấn đề cơ chế, tài chính đất đai, giá đất là một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến của nhân dân, vậy các ý kiến có đồng thuận với các nội dung của Dự thảo?

Ông Đào Trung Chính: Thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW về vấn đề tài chính đất đai, Dự thảo Luật đã có những quy định mang tính cách mạng như bỏ khung giá đất, quy định điều tiết nguồn thu từ đất, quy định rõ các trường hợp áp dụng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quy định về hội đồng thẩm định giá đất, quy định chi tiết về tư vấn xác định giá đất. Do đó, ý kiến của người dân cũng tập trung vào từng điều khoản chi tiết đã được Dự thảo và đặc biệt nhiều ý kiến dành mối quan tâm đến sự thống nhất của các luật liên quan như Luật Thuế, Luật Ngân sách nhà nước với Luật Đất đai để đảm bảo cơ chế tài chính thông suốt. Cũng có nhiều ý kiến mang tính kỹ thuật cao, góp ý sâu cho các phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất.

Đặc biệt, việc bỏ khung giá đất nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân với hy vọng giá đất sẽ dần tiến đến phù hợp với thị trường. Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm cũng được nhiều ý kiến tán thành, tuy nhiên một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc về chu kỳ ban hành bảng giá đất 5 năm để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tránh gây áp lực lên hệ thống cơ quan nhà nước. Có ý kiến đề nghị ban hành bảng giá theo chu kỳ ngắn hạn hơn 2 đến 3 năm một lần và điều chỉnh khi có mức độ biến động nhất định. Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng, cần có các quy định cụ thể để Hội đồng thẩm định giá đất khi đi vào hoạt động bảo đảm tính chuyên môn sâu, tính độc lập, khách quan, minh bạch.

Về nguyên tắc định giá đất sát thị trường, đây là vấn đề khá mới ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện cơ sở dữ liệu về giá đất còn mỏng. Tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ cân nhắc, xem xét quy định cụ thể hơn trong Dự thảo Luật để các địa phương thuận lợi triển khai...

Các ý kiến đều được cơ quan soạn thảo tập hợp và cân nhắc kỹ lưỡng để tiếp thu, giải trình cho phù hợp.