Áp dụng nghiên cứu khoa học về quản lý đất đai trong đại học và thực tiễn

Email :
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã và đang đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý đất đai. 
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Lệ Hà, Trưởng bộ môn Công nghệ thông tin trong Quản lý đất đai – Khoa Quản lý đất đai - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xung quanh nội dung này. 
PV: Bà có thể chia sẻ những nghiên cứu tiêu biểu để hướng dẫn cho sinh viên áp dụng trong việc làm đề tài khoa học, đồ án tốt nghiệp?
TS. Vũ Lệ Hà: Đất đai là nền tảng cho mọi hoạt động, cũng là nội dung quan trọng trong kế hoạch xây dựng Luật của Quốc hội, được cả nước rất quan tâm, vì vậy, trong nghiên cứu, tôi đặc biệt quan tâm đến hướng nghiên cứu chính về Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai, bởi đây chính là công cụ để thực hiện tốt nhất công tác quản lý hiện đại, giúp Chính phủ quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai và cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Xây dựng và triển khai tốt hoạt động của Hệ thống thông tin đất đai và CSDL đất đai là các yếu tố quan trọng góp phần vào khả năng phát triển ổn định kinh tế - xã hội. Đây là hạ tầng mềm - công cụ cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Ngoài ra, trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), tôi cũng tham gia góp ý và đã đề xuất được một số hướng nghiên cứu chính để phục vụ xây dựng các văn bản pháp luật như Nghị định, Thông tư,… và nghiên cứu đề xuất những giải pháp thực hiện về quy hoạch xây dựng công tác quy hoạch sử dụng đất trong điều kiện biến đổi khí hậu, thực hiện như thế nào cho có hiệu quả.
Từ đó, tôi hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học liên quan đến các vấn đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, trong xây dựng hệ thống thông tin và CSDL đất đai, chuyển đổi số trong quản lý sử dụng đất đai, chuyển đổi số trong công tác văn thư, lưu trữ tư liệu đất đai… đồng thời, cũng nghiên cứu thêm một số hướng nghiên cứu như sự tiếp cận đất đai của các chủ sử dụng đất, tổ chức, doanh nghiệp, hoặc người dân.
PV: Từ việc hướng dẫn sinh viên, làm thế nào để họ có thể tiếp cận, phát triển hướng nghiên cứu, cũng như đạt được kết quả về lĩnh vực quản lý đất đai và có thể áp dụng được vào thực tiễn, thưa bà?
TS. Vũ Lệ Hà: Để thực hiện một dự án về nghiên cứu khoa học (NCKH), trước hết, các sinh viên phải có được ý tưởng, phát hiện vấn đề nghiên cứu và cần phải chủ động tìm hiểu tài liệu tổng quan về vấn đề nghiên cứu đó, có thể qua thư viện của Nhà trường hoặc qua các đề tài, dự án đã thực hiện, qua sách, báo, tạp chí và mạng internet...
Đồng thời, việc thực hiện các đề tài, dự án NCKH về lĩnh vực quản lý đất đai đòi hỏi sự kết hợp từ các giảng viên, các thầy cô phải lồng ghép các kinh nghiệm, ý tưởng nghiên cứu, chia sẻ tới các sinh viên qua các tiết học, môn học, qua các câu chuyện về kinh nghiệm thực hiện đề tài, dự án, kinh nghiệm nghề nghiệp, vị trí việc làm trong tương lai của các em có thể làm gắn với thực tế và nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, việc cập nhật, thay đổi, bổ sung các chính sách về quản lý đất đai cũng cần được thầy cô thường xuyên cập nhật, chia sẻ đến các em qua các học phần học tập trên giảng đường. Thường xuyên tổ chức các hoạt động seminar (hội thảo, nghiên cứu khoa học) các chuyên đề về quản lý đất đai, chia sẻ, giới thiệu về các nghiên cứu tiêu biểu của giảng viên và sinh viên trong khoa đã thực hiện được đến với các sinh viên khóa mới.

Qua đó, để việc nghiên cứu đạt hiệu quả cao hơn, các em cần lập một nhóm từ 3-5 bạn có cùng đam mê nghiên cứu khoa học để tìm hiểu và thực hiện đề tài qua các vấn đề bất cập trên thực tế trong lĩnh vực quản lý đất đai đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng kiến thức đã được học, đam mê nghiên cứu, sự tư vấn của thầy cô hướng dẫn để xây dựng đề cương, kế hoạch nghiên cứu để có thể thu được các kết quả nghiên cứu hiệu quả.

Cũng chính đó, mới có thể đưa ra được nhiều hướng nghiên cứu chuyên sâu có mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; cơ sở dữ liệu giá đất của các địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng bản đồ chuyên đề, đánh giá biến động sử dụng đất.

Một số đề tài, đề xuất giải pháp chính sách đối với chế độ quản lý và sử dụng các loại đất, chính sách thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chính sách tài chính đất đai, giá đất, quy hoạch sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất...

PV: Để phát triển nghiên cứu khoa học trong sinh viên, nhà trường xây dựng định hướng và thực hiện những lộ trình ra sao, thưa bà?

TS. Vũ Lệ Hà: Nhà trường đã thành lập các nhóm nghiên cứu theo từng lĩnh vực đào tạo chuyên ngành của Khoa Quản lý đất đai với các thầy cô làm nòng cốt trong nhóm để thực hiện các công trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu các cấp.

Đồng thời, hợp tác, phối hợp cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý đất đai, các đơn vị chuyên môn để có những đặt hàng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho cả giảng viên, sinh viên của khoa Quản lý đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu, sản phẩm của đơn vị đặt hàng.

Giao cho Đoàn Thanh niên Khoa Quản lý đất đai thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các hoạt động của Khoa để giúp sinh viên được tiếp cận nhiều hơn với nghiên cứu khoa học. 

Nhà trường cần xây dựng cơ chế khen thưởng phù hợp để có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên có kết quả tốt, có ý nghĩa thực tiễn cao, mang lại hiệu quả trong thực tế. Nâng cao năng lực, thành tích nghiên cứu cho giảng viên trong khoa qua việc tham gia thực hiện các chương trình, đề tài, dự án, các công bố khoa học, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn.

Thời gian tới, Khoa Quản lý đất đai đã xây dựng một số định hướng nghiên cứu cho sinh viên phù hợp với những định hướng chung của ngành và liên ngành, phù hợp với nhu cầu xã hội. Cụ thể, như hiện nay, ngành Quản lý đất đai đang tập trung nỗ lực thực hiện chuyển đổi số các hoạt động của ngành, do đó, các hướng nghiên cứu cũng tập trung vào hướng đánh giá thực trạng và tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai tại các địa phương, các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, còn có các nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai cũng là một trong các hướng nghiên cứu thu hút nhiều sự hứng thú của sinh viên và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.