Hội nghị triển khai Dự án quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh

Email :
Sáng 25/12/2021, tại tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và môi trường đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị triển khai Dự án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”.

Hội nghị cũng triển khai các nội dung liên quan đến “Đánh giá hiệu quả hoạt động và tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho Văn phòng Đăng ký đất đai trên toàn quốc”.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Minh Ngân, Uỷ viên Ban cán sự Đảng - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Mai Văn Phấn - Phó Bí thư Đảng uỷ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai; về phía lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Hà Tĩnh gồm các đại biểu của các Bộ, ngành Trung ương Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Uỷ ban Dân tộc, Văn phòng Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Riêng 10 tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị trực tiếp gồm Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Họp trực tuyến tại điểm cầu Hội trường UBND 42 tỉnh, thành phố còn lại.

 

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, nhấn mạnh: Vấn đề đất đai có nhiều nội dung rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Hội nghị này Bộ TN&MT lựa chọn 2 chuyên đề “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” và “Đánh giá hiệu quả hoạt động và tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho Văn phòng Đăng ký đất đai trên toàn quốc”.

Liên quan đến nội dung nông lâm trường có lịch sử lâu đời nhưng còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, vi phạm. Để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, đạt được mục tiêu đã đề ra, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức cá nhân.
Hôm nay, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp thiết thực để tổ chức triển khai, tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để cùng tổ chức thực hiện Đề án thành công. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ nội dung, nắm chắc mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của Đề án làm cơ sở chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, tập trung vào những vấn đề trọng tâm như: Hiện trạng công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp trả về địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp; tình trạng chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật. Tình hình thiếu đất hoặc không có đất sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do. Định hướng giải pháp quản lý, sử dụng hiểu quả đất có nguồn gốc nông, lâm trường; huy động động nguồn lực, xây dựng kế hoạch và các giải pháp củ thể để triển khai thực hiện đề án.

Liên quan đến nội dung Văn phòng đăng ký đất đai. Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, hiện cả nước đã có 59/63 Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính một cách mạnh mẽ trong lĩnh vực đất đai liên quan đến người dân, doanh nghiệp như số lượng, thời gian thực hiện thủ tục hành chính giảm. Các Văn phòng đăng ký đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được tiếp cận với hệ thống tổ chức chuyên nghiệp, thuận lợi và linh hoạt khi có nhu cầu thực hiện các giao dịch về đất đai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai cũng còn những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, cơ chế hoạt động cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Về hoạt động của hệ Văn phòng đăng ký đất đai, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các đại biểu dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai từ khi thành lập đến nay. 

Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và tiến hành thực hiện đăng ký đất đai trên môi trường điện tử: Đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những vấn đề còn tồn tại, hạn chế về quy định của pháp luật, vấn đề về công nghệ, đề xuất giải pháp: Nêu những mô hình, cách làm hay của địa phương.

Trong buổi sáng ngày 25/12, tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Đăng ký đất đai đã Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Dự án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng và Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai. Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, thảo luận và giải đáp các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ.