Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với các Bộ, ngành về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai

Email :
Sáng 18/2, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử Nguyễn Mạnh Hùng và các Bộ, ngành liên quan về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ) là một trong 6 dự án được ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng của Chính phủ, đóng vai trò là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó việc xây dựng hệ thống CSDLĐĐ trên cả nước có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này.
Vì vậy, cuộc họp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan cho ý kiến về việc xây dựng Dự án này, đồng thời thống nhất, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo đảm các thủ tục pháp lý và cơ chế chính sách liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Chu An Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, việc xây dựng hệ thống thông tin và CSDLĐĐ đã được Bộ triển khai vào những năm 2014 - 2015. Tiếp đó, ngày 23/12/2016, Chủ tịch nước đã phê duyệt Hiệp định Tài trợ dự án Tăng cường quản lý đất đai và CSDLĐĐ, có hiệu lực từ tháng 3/2017 với tổng kinh phí 180 triệu USD cho 33 tỉnh, thành phố thực hiện trong thời gian 5 năm (2017-2021). Đến nay, Dự án này đã triển khai xây dựng CSDL cơ bản cho 33 tỉnh, thành phố, nên năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ “Đề án tổng thể xây dựng CSDLĐĐ quốc gia” để triển khai xây dựng CSDLĐĐ cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Thực hiện Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/05/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai, để đảm bảo tiến độ triển khai đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Dự án xây dựng CSDLĐĐ cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư trong Dự án VILG theo cơ chế đặc thù. Đặc biệt, Bộ rất mong nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành liên quan trong xây dựng, hoàn thiện và Chính phủ Dự án này.
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành đã tập trung thảo luận và cơ bản nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng Dự án CSDLĐĐ cho 30 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên các đại biểu cũng lưu ý về việc bảo đảm an toàn cho hệ thống CSDL; liên thông dữ liệu với các Bộ ngành…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng CSDLĐĐ; đồng thời cho biết, cùng với CSDL về dân cư, cần phải sớm đầu tư, hoàn thành CSDLĐĐ. Vì vậy, việc xây dựng Dự án cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư trong Dự án Tăng cường quản lý đất đai và CSDLĐĐ là rất cần thiết.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, CSDLĐĐ tại Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý; CSDLĐĐ ở địa phương do địa phương quản lý. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần ưu tiên xây dựng một mô hình chung thống nhất trong cả nước.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của đơn vị chuyên môn Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Theo Nghị định 85/2016/NĐ-CP quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin thì hệ thống thông tin đất đai và CSDLĐĐ là hệ thống thông tin được quy định mức độ cao nhất (mức độ 5). Đây cũng là hệ thống thông tin phục vụ lưu trữ dữ liệu tập trung đối với một số loại hình thông tin, dữ liệu đặc biệt quan trọng của quốc gia. Theo Nghị định này đã quy định cụ thể trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.  
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, phần của địa phương sẽ do tỉnh tự quản lý cập nhật và tạo các ứng dụng để người dân tra cứu (không thu phí và có thu phí). Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần phải có một Thông tư hướng dẫn xây dựng các ứng dụng này, tránh để các địa phương xây dựng không đồng nhất.
Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai, nhất là Ban Quản lý dự án Tăng cường quản lý đất đai và CSDLĐĐ cần hoàn thiện các hồ sơ dự án Dự án cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư. Bên cạnh đó, rà soát các nội dung CSDLĐĐ chưa hoàn thành, để từ đó đưa ra những hạng mục công việc cần thiết cho việc hoàn thành Dự án.
"Tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước, chính là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.