nâng cao hiệu quả mô hình Văn phòng đăng ký đất đai và tổ chức Phát triển quỹ đất

Email :
Ngày 14/12, tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì Hội nghi. Tham dự Hội nghị có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai và một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai và Trung tâm Phát triển quỹ đất các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất ra đời trên cơ sở quy định của pháp luật đất đai năm 2013. Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất là các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do UBND cấp tỉnh thành lập theo quy định của pháp luật.
Nhằm đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, ngày 27/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo số 347/TB-VPCP, trong đó đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phải đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp làm nền tảng cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hướng tới Chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC, Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất.
Hiệu quả vượt trội
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, sau gần 5 năm triển khai, đến nay đã có 55/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; 13/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kiện toàn Tổ chức phát triển quỹ đất với mô hình một cấp; tổng nhân sự 12.698 cán bộ/54 tỉnh, thành phố có báo cáo, trong đó số cán bộ trong biên chế chiếm 43% và gần 70% trong tổng số cán bộ có trình độ từ đại học trở lên.
Về tài chính thì tổng nguồn thu của Văn phòng đăng ký trong 3 năm (từ năm 2015 đến năm 2017) đạt 3.857,4 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ ngân sách Nhà nước là 1.463,8 tỷ đồng; các khoản thu phí được để lại: 594,8 tỷ đồng; thu từ hoạt động dịch vụ và thu khác: 1.798,8 tỷ đồng. Ngoài ra, 161/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 45 tỉnh/thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có 15 tỉnh/thành phố đã tích hợp và liên thông dữ liệu theo mô hình tập trung. Tổng số lượng giao dịch đã giải quyết của hệ thống Văn phòng đăng ký trong 3 năm  đạt 7.962.864, trong đó riêng hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm đạt trên 4 triệu lượt hồ sơ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính một cách mạnh mẽ trong lĩnh vực đất đai liên quan đến người dân, do anh nghiệp như số lượng, thời gian thực hiện thủ tục hành chính giảm, tiến độ cấp Giấy chứng nhận tăng đáng kể, các Văn phòng đăng ký đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống; người dân, do anh nghiệp và các tổ chức được tiếp cận với hệ thống tổ chức chuyên nghiệp, thuận lợi và linh hoạt khi có nhu cầu thực hiện các giao dịch về đất đai. Còn việc thành lập tổ chức phát triển quỹ đất tại các tỉnh, thành phố với nhiệm vụ rất lớn là tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất và đóng vai trò quan trọng, tham gia tích cực, có hiệu quả cao trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình ở địa phương theo quy định.
Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cũng cho biết: Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã khắc phục được tình trạng không thống nhất về hồ sơ thủ tục, trình tự giải quyết ở các địa bàn khác nhau trên cùng một tỉnh, thành phố, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 05 - 25 ngày so với trước đây; thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt. Ngoài ra, hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai đã cung cấp thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu là 322.042 lượt.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An, Thanh Hóa, Lào Cai, Gia Lai... đều đánh giá cao mô hình hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, hỗ trợ đắc lực công tác quản lý nhà nước về đất đai của địa phương, tình trạng khiếu nại tố cáo của công dân liên quan đến vấn đề cấp Giấy chứng nhận ngày càng giảm...
Còn nhiều tồn tại, bất cập
Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự Hội nghị, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất cũng còn những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Cụ thể, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai Lê Văn Lịch, hầu hết kho lưu trữ của các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không thuận tiện cho việc khai thác, cập nhật thường xuyên hồ sơ địa chính. Có những nơi kho lưu trữ đã quá tải, tài liệu phải để cả trên lối đi (Bình Định, An Giang) gây áp lực lớn trong việc sắp xếp, lưu trữ, khai thác hồ sơ, không bảo đảm an toàn cho tài liệu.
Về hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai, hiện nay vẫn còn một số địa phương tồn tại tình trạng lập sổ theo dõi tiếp nhận, quản lý sử dụng phôi Giấy chứng nhận chưa bảo đảm theo quy định; công tác báo cáo thường xuyên về quản lý sử dụng phôi Giấy chứng nhận chưa được thực hiện kịp thời.
Đối với Tổ chức phát triển quỹ đất, hiện nay hoạt động không thống nhất giữa các địa phương, còn chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thiếu kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; chưa nhận được nhiều sự phối hợp của các cơ quan có liên quan và sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM  kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện lại mô hình Trung tâm phát triển quỹ đất. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi quy định mỗi Văn phòng đăng ký đất đai không được quá 02 phó giám đốc, bởi quy định hiện nay sẽ rất khó cho việc giải quyết lượng hồ sơ rất lớn hiện nay.
Tại Hội nghị, các biểu cũng cho rằng, một vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai hiện nay chính là vấn đề quy định về phí và lệ phí. Theo Thông tư số 250/2016/TT – BTC của Bộ Tài chính chỉ quy định thu phí với các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Trong khi đó, các công việc khác như  việc thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, cung cấp thông tin, đăng ký biến động đất đai…chưa có quy định về thu phí nên rất khó khăn cho hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai.
Tiếp tục đẩy nhanh việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai... Thứ trưởng đề nghị những địa phương nào chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp thì lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho lãnh đạo địa phương đẩy nhanh quá trình thành lập. Bởi, sau 5 năm đi vào hoạt động, mô hình này thật sự phát huy hiệu quả, góp phần  giảm thủ tục hành chính, phục vụ  người dân và do anh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên.
Liên quan tới tổ chức phát triển quỹ đất, căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất nhiều phương án sửa đổi về mô hình hoạt động, chức năng nhiệm vụ của tổ chức này.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng cho biết, đối với những khó khăn của các địa phương về vấn đề phí và lệ phí, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm việc với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 250/2016/TT-BTC để cho phép thu phí đối với tất cả các thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận phải tiến hành hoạt động thẩm định (kiểm tra hồ sơ, quyết định việc bảo đảm thực hiện quyền), để phù hợp với quy định của Luật Phí và Lệ phí. Trước mắt, trong thời gian chưa sửa đổi Thông tư nêu trên thì cần có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện việc thu phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận phù hợp với quy định của Luật Phí và Lệ phí. Đối với các hoạt động còn lại của từng thủ tục thì cho phép thu giá dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai tổng hợp tất cả những ý kiến tại Hội nghị, đồng thời xây dựng để làm báo cáo chung trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 
 
Theo monre.gov.vn 15/12/2018