Sau 04 năm triển khai thi hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về giao khu vực biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã có những bước tiến triển nhất định, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức và cá nhân trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, song Nghị định này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Vì vậy việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển ( sau đây gọi tắt là Nghị định) là cần thiết.
Biển và hải đảo Việt Nam có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã nêu rõ “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh”.
Nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, ngày 21 tháng 6 năm 2012, Quốc hội thông qua Luật biển Việt Nam, tại Điều 45 Luật đã quy định về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này. Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, ngày 21 tháng 5 năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Nghị định số 51/2014/NĐ-CP được ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về giao khu vực biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Sau 04 năm triển khai thi hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về giao khu vực biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã có những bước tiến triển nhất định, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức và cá nhân trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, tuy nhiên, Nghị định này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Một số quy định trong Nghị định số 51/2014/NĐ-CP còn chung chung, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, một số quy định chưa được thực hiện triệt để do còn vận dụng quy định của pháp luật chuyên ngành. Mặt khác, ngày 21 tháng 11 năm 2017, Quốc hội thông qua Luật thủy sản, tại Điều 44 Luật quy định về việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản và giao cho Chính phủ quy định việc giao, gia hạn, hạn mức, khung giá tiền sử dụng khu vực biển; sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên và kịp thời, cập nhật, bổ sung các quy định cho phù hợp với Luật thủy sản nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất nhà nước về sử dụng biển, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực biển và hải đảo, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển (sau đây viết tắt là Nghị định) là cần thiết.
Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương với 36 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung, Chương này gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; ranh giới, diện tích khu vực biển, vùng biển 03 hải lý và 06 hải lý; nguyên tắc, căn cứ và thời hạn giao khu vực biển; những hành vi bị cấm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân được giao khu vực biển.
- Về phạm vi điều chỉnh: Luật biển Việt Nam không quy định loại trừ bất cứ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển nào. do vậy, dự thảo Nghị định quy định điều chỉnh việc giao khu vực biển đối với tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Ngoài ra dự thảo Nghị định còn phân định rõ phạm vi ranh giới của lĩnh vực biển với lĩnh vực đất đai để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
- Về giải thích từ ngữ: Để bảo đảm phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển năm 1982, Luật biển Việt Nam và Luật quy hoạch, dự thảo Nghị định đã giải thích rõ: “Khu vực biển nhất định là một phần của biển Việt Nam, có ranh giới cụ thể được xác định bởi một hoặc nhiều yếu tố bao gồm vùng trời, mặt biển, khối nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển”.
Để thuận tiện cho quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ giao khu vực biển, dự thảo Nghị định đã giải thích việc công nhận khu vực biển, giải thích và thống kê rõ các loại văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
- Về ranh giới, diện tích khu vực biển, vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý: Dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc xác định vùng biển 03 hải lý và 06 hải lý. Để tránh việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện về đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm để xác định đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý và vùng biển 06 hải lý, dự thảo Nghị định chỉ có đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đất liền và các đảo Cô Tô, Cái Bầu, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Nam Du, Phú Quốc mới được dùng để xác định đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý. Đây là các đảo chính (có diện tích lớn, có trụ sở của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, có cộng đồng dân cư sinh sống và có các điều kiện tương tự như trên đất liền).
- Về nguyên tắc giao khu vực biển: Dự thảo Nghị định quy định trường hợp đặc biệt khi xảy ra thiên tai, bão, lũ, cần phải giao khu vực biển để thực hiện các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển có thể thực hiện việc giao ngay khu vực biển mà không cần thực hiện theo trình tự thủ tục quy định của Nghị định này, sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Về căn cứ giao khu vực biển: Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Nghị định quy định các trường hợp chưa có quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, việc giao khu vực biển căn cứ vào quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp chưa có các quy hoạch nêu trên, việc giao khu vực biển phải căn cứ vào vị trí, ranh giới, diện tích khu vực biển được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển xác định sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và ý kiến thống nhất giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan. Ủy ban nhân dân cấp huyện sử dụng vị trí, ranh giới, diện tích khu vực biển do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định để làm căn cứ giao khu vực biển.
- Về thời hạn giao khu vực biển: Việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên không phải là hoạt động giao trực tiếp, do vậy, phải căn cứ vào nhu cầu của tổ chức, cá nhân, thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên được cấp theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Thời hạn khai thác, sử dụng từng loại tài nguyên phụ thuộc vào nhu cầu của tổ chức, cá nhân cũng như tiềm năng tài nguyên nên rất khác nhau, vì vậy, dự thảo Nghị định chỉ quy định thời hạn tối đa của một quyết định giao khu vực biển không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. Quy định này phù hợp với quy định của Luật thủy sản.
Chương II. Giao, công nhận, trả lại khu vực biển, gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, Chương này gồm 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19) quy định về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự thực hiện thủ tục giao, công nhận, trả lại khu vực biển, gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển.
- Về thẩm quyền: Để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủy sản và phù hợp với thực tiễn, dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền giao, công nhận, trả lại khu vực biển, gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển bao gồm 3 cấp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giao khu vực biển đối với các trường hợp sau đây: các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp phép của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; khu vực biển có phạm vi nằm ngoài vùng biển 06 hải lý, khu vực biển liên vùng; khu vực biển sử dụng có diện tích từ 100 ha trở lên.
Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển trong các trường hợp sau đây: khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 06 hải lý; khu vực biển có diện tích nhỏ hơn 100 ha; khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Luật thủy sản có phạm vi thuộc hai hay nhiều địa phương cấp huyện; có một phần nằm ngoài vùng biển 03 hải lý.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Luật thủy sản. Hạn mức giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản theo quy định tại khoản này không quá 01 ha.
Đồng thời dự thảo Nghị định quy định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển nào thì có quyền gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao, công nhận, cho phép trả lại, thu hồi khu vực biển đó.
- Về Hồ sơ và trình tự, thủ tục giao, công nhận, trả lại khu vực biển, gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển (từ Điều 16 đến Điều 20): Hồ sơ và trình tự, thủ tục được quy định trong dự thảo Nghị định bảo đảm đơn giản, chặt chẽ theo hướng cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp và thống nhất về sử dụng biển.
Chương III. Thu hồi khu vực biển, chấm dứt hiệu lực quyết định giao khu vực biển, Chương này gồm 02 điều (Điều 21 và Điều 22) quy định về các trường hợp bị thu hồi khu vực biển, trình tự thu hồi; các trường hợp chấm dứt hiệu lực quyết định giao khu vực biển và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển khi quyết định giao khu vực biển chấm dứt hiệu lực. Theo đó, việc thu hồi khu vực biển chỉ thực hiện đối với trường hợp tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển lợi dụng việc sử dụng khu vực biển gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia hoặc khu vực biển đã giao được sử dụng để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia theo quy định của pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân sử dụng khu vực biển trái quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chương IV. Phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển. Trên cơ sở nâng tầm pháp lý của Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT ngày 07 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và môi trường quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển, dự thảo Nghị định quy định Chương này gồm 08 điều (Điều 22 và Điều 29) quy định về tài chính liên quan đến việc giao khu vực biển; phân loại mục đích sử dụng biển phải nộp tiền sử dụng; diện tích phải nộp tiền sử dụng khu vực biển; khung giá áp dụng và mức thu tiền sử dụng khu vực biển; phương thức thu và xác định số tiền sử dụng khu vực biển; trình tự, thủ tục thu nộp tiền sử dụng khu vực biển; chế độ quản lý, sử dụng tiền sử dụng khu vực biển và kinh phí cho nhiệm vụ giao khu vực biển; xử lý các trường hợp gia hạn, trả lại, thu hồi khu vực biển.
Chương V. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, Chương này gồm 5 điều (từ Điều 30 đến Điều 34) quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có biển, Ủy ban nhân dân cấp huyện có biển; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong công tác tỉnh, thu, nộp tiền sử dụng biển và trách nhiệm của các cơ quan khác có liên quan.
Chương VI. Điều khoản thi hành, Chương này gồm 2 điều (Điều 35 và Điều 36) quy định về xử lý chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thu thập, nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan tới lĩnh vực biển, hải đảo; Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về công tác quản lý, sử dụng các vùng biển của một số nước trên thế giới; Tổ chức tổng kết 04 năm thi hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP; Xây dựng đề cương và nội dung dự thảo Nghị định; tổ chức họp và tiếp thu các ý kiến của Ban soạn thảo và Tổ biên tập để hoàn thiện dự thảo Nghị định; Tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và 28 địa phương có biển về nội dung dự thảo Nghị định. Đồng thời đăng tải công khai dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo monre.gov.vn 11/6/2018