Tiếp theo Hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước tại khu vực miền Trung và miền Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại 2 thành phố Đà Nẵng và Hồ Chí Minh, sáng ngày 19/9, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị phổ biến, quán triệt, hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước cho khu vực miền Bắc. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác quản lý tài nguyên nước thuộc các Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện một số cơ quan, đơn vị, do anh nghiệp có liên quan đến việc xác định, thu, nộp, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thuộc khu vực miền Bắc.
Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Hướng dẫn quy trình tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, việc tính toán, xác định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Giới thiệu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc thành lập các trạm khí tượng thủy văn phục vụ việc vận hành hồ chứa.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị là rất cần thiết nhằm hướng dẫn cụ thể để triển khai, thực thi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP trong đời sống thực tế. Việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là vấn đề rất mới. Tuy nhiên, việc thực thi Nghị định có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ và nâng cao ý thức tiết kiệm nước đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác tài nguyên nước.
Giới thiệu tóm tắt về các nội dung của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Nghị định được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 17/7/2017 và có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2017. Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất (chủ giấy phép) thuộc một trong các trường hợp sau phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: (i) Đối với khai thác nước mặt: Khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; (ii) Đối với khai thác nước dưới đất: Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.
Về thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền khai thác nước, Nghị định quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tiền cấp quyền khai thác, tài nguyên nước đối với các trường hợp cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ; Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt tiền cấp quyền khai thác đối với các trường hợp cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp nhận, tổ chức thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, tổ chức thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Hướng dẫn về quy trình tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, việc tiếp nhận, thẩm định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được thực hiện đồng thời với việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép về tài nguyên nước. Khi trình hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép có trách nhiệm trình dự thảo quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ gửi thông báo cho chủ giấy phép và Cục thuế địa phương nơi có công trình khai thác kèm theo quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đối với trường hợp đã được cấp giấy phép trước ngày Nghị định có hiệu lực (trước ngày 01/9), Nghị định nêu rõ, trong thời hạn không quá 12 tháng (đến 01/9/2018), kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phải hoàn thành việc tính và nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định. Cục Quản lý tài nguyên nước thông báo tới các chủ giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo tới các chủ giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp để nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đối với trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Nghị định có hiệu lực (trước ngày 01/9/2017), Nghị định cũng nêu rõ, trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép có nhu cầu bổ sung hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép có trách nhiệm tiếp nhận và thẩm định cùng với quá trình thẩm định hồ sơ cấp phép (như đối với trường hợp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nộp cùng hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tài nguyên nước); Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép không bổ sung hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thì thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ như đối với trường hợp đã được cấp giấy phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo thông báo của Cục thuế theo đúng quy định về thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước. Sau nhận được giấy chứng nhận nộp tiền thì tổ chức, cá nhân gửi 1 bản sao (có chứng thực) đến Cục Quản lý tài nguyên nước (đối với Giấy phép tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp) hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh, nơi có công trình khai thác (đối với Giấy phép tài nguyên nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp) để theo dõi.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi khác liên quan đến Nghị định số 82/2017/NĐ-CP; trình tự, thủ tục tính, thẩm định, phê duyệt hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Theo monre.gov.vn 19/9/2017