Bảo vệ Tài Nguyên nước: Không để nhờn luật

Email :
Quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, công cụ hữu hiệu nhất là những quy định của pháp luật về tài nguyên nước, từ Luật năm 1998 đến Luật Tài nguyên nước năm 2012, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy; Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 cùng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật đã được hướng dẫn và triển khai trong thực tiễn.
Theo thống kê, nước ta có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn, trong đó, có 9 hệ thống sông lớn là: sông Hồng, Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 - 840 tỷ m3. Hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310 - 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Lượng nước bình quân đầu người trên 9.000 m3/năm. Nước dưới đất cũng có tổng trữ lượng tiềm năng khoảng 63 tỷ m3/năm, phân bố ở 26 đơn vị chứa nước lớn, nhưng tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Duy trì và phát triển bền vững nguồn nước, nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra đối với các nhà quản lý là lập quy hoạch tài nguyên nước cho từng vùng, từng lưu vực sông. Những hoạch định cơ bản trong quy hoạch sẽ là hướng đi làm nền tảng trong công tác phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Xuất phát từ quan điểm này, các chương trình, đề án, dự án đã được xây dựng, tổ chức thực hiện. Đó là, việc tìm kiếm thăm dò nguồn nước cho những vùng khan hiếm, khó khăn; phân tích, đánh giá về sụt lún do khai thác nước tại các thành phố, đô thị; giải pháp căn bản giải quyết hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh duyên hải, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ động phòng, chống sự cố ô nhiễm nguồn nước lúc này hơn bao giờ hết đã và đang là vấn đề cấp bách và nóng bỏng.
Theo phân tích của các chuyên gia tài nguyên nước, trước đây, vì mục tiêu phát triển kinh tế quá nóng hoặc áp lực xã hội, chúng ta đã phải trả giá đắt về những sự cố ô nhiễm môi trường, đánh đổi lợi nhuận bằng những thiệt hại khôn lường cho môi trường nước. Sự cố điển hình là ô nhiễm nước biển 4 tỉnh miền Trung năm 2016. Vì vậy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt là một mắt xích quan trọng trong công tác bảo vệ nguồn nước.
Phòng Pháp chế (Cục Quản lý Tài nguyên nước) cho rằng, các tài liệu, thông tin được cập nhật là yếu tố đầu vào phục vụ những quyết sách về chủ trương đều xuất phát từ việc quan trắc, giám sát cả về số lượng và chất lượng nước. Những dữ liệu có độ chính xác cao, những thông tin trung thực đủ tin cậy sẽ giúp các nhà xây dựng chính sách, giúp các cơ quan quản lý đưa ra các quyết định kịp thời và hữu ích.
Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hệ lụy có hại từ nước biển dâng, gây ngập lụt, nhiệt độ tăng làm thay đổi không có lợi cho hệ sinh thái, động, thực vật. Nhưng một yếu tố làm trầm trọng và nguy hiểm hơn nhiều từ lũ ống, lũ quét, mực nước ngầm hạ thấp là nạn chặt phá rừng đầu nguồn - nguồn sinh thủy cốt lõi của nguồn nước. Chính vì vậy, việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy không chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng mà đã được quy định chặt chẽ và triển khai quyết liệt. Đó là chính sách, quy định trồng bù rừng, đóng góp kinh phí để trồng rừng. Sự lưu thông dòng chảy trong sông, suối, kênh, rạch là biểu hiện sức sống của các loại nguồn nước từ nước mặt, nước dưới đất, nước biển. Dòng chảy được bảo đảm, nước mới giữ được hiền hòa mang lại lợi ích đích thực cho con người trong giao thông thủy, thoát lũ, chống ngập úng, vận chuyển phù sa… phân phối nguồn tài nguyên này theo quy luật tự nhiên.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, không chỉ ở những vùng khan hiếm nước mới cần bảo vệ nguồn nước bằng xác định hành lang bảo vệ. Ở nước ta, hành lang nguồn nước cũng được hình thành và phát triển theo quy luật tự nhiên từ đầu nguồn đến vùng đệm, vùng lõi ven bờ các nguồn nước. Nghị định về hành lang nguồn nước được ban hành là văn bản pháp lý đã triển khai thực tế và đang phát huy tích cực, đặc biệt, đối với các hồ chứa.
Đứng trước sự phát triển nhanh chóng về công nghiệp, công nghiệp khai thác, đô thị gây ra nhiều tác động tiêu cực đến vệ sinh nguồn nước phục vụ ăn, uống gọi chung là nước sinh hoạt – ưu tiên số một trong hệ thống tiêu chuẩn về nước bằng nhiều quy định chặt chẽ. Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực nước sinh hoạt được xác định cụ thể, chi tiết từ hang, động, mạch lộ, nước ngầm, sông, suối làm sáng thêm bức tranh về chất lượng nước phục vụ sinh hoạt trên khắp các vùng, miền.
Tuy có mức độ đòi hỏi về chất lượng không cao như nước sinh hoạt, nhưng nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác đang được bảo vệ tích cực hơn. Việc giao, ủy quyền và phân cấp quản lý mặt nước hồ chứa, những diện tích đất ngập nước cho những chủ thể rõ ràng để nâng cao trách nhiệm và phát huy mạnh mẽ của các tổ chức, cá nhân ở các địa phương trong cả nước.
Đồng thời, chính sách ưu đãi, khuyến khích cộng đồng sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả làm động lực, khuyến khích việc bảo vệ nguồn nước. Với quan điểm nước là hàng hóa, giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên này đang được xác định, lượng hóa và khai thác, sử dụng nước phải trả tiền cấp quyền để nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, phát triển nguồn nước một cách bền vững.
Có thể nói, hệ thống pháp luật trong bảo vệ tài nguyên nước đã được xây dựng và ban hành khá hoàn thiện. Việc triển khai, tuân thủ trên thực tiễn có nhiều tiến bộ phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời gian trước mắt và để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững, theo kiến nghị của cơ quan quản lý tài nguyên nước, cần tăng cường các biện pháp, chế tài đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước như: bổ sung các quy định để xử lý hình sự đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước kể cả việc xử lý đối với người đứng đầu cũng như tăng mức phạt tiền nếu để tái phạm gây ô nhiễm.
 
Theo monre.gov.vn5/7/2017