Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các bộ, ngành, lĩnh vực, tổ chức, cá nhân trao đổi, chia sẻ thông tin, phổ biến các kết quả nghiên cứu, giới thiệu các thiết bị, công nghệ đo đạc bản đồ mới về thu nhận, xử lý, chia sẻ, trao đổi dữ liệu nhằm xây dựng, ứng dụng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Theo Chương trình, bên cạnh Phiên toàn thể với chủ đề "Nghiên cứu ứng dụng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia: Vai trò của công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại". Hội thảo sẽ có 2 Phiên thảo luận với chủ đề "Vai trò dữ liệu địa lý và các kỹ thuật, phương pháp mới trong xử lý, phân tích chia sẻ thông tin dữ liệu địa lý trên các nền tảng công nghệ hiện đại" và "Ứng dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị và phương tiện hiện đại trong thu nhận thông tin dữ liệu địa lý".
Liên quan đến chủ đề hội thảo, ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là "... đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo" dựa trên đột phá chiến lược, trong đó cần "... chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số" đã được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thông tin dữ liệu địa lý là động lực cho quá trình phát triển. Việc xác định và thúc đẩy vai trò của công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại, của các bộ, ngành, lĩnh vực, các tổ chức, cá nhân trong thu nhận, xử lý và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là điều kiện cần thiết và tiên quyết cho sự thành bại của quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia cũng là một nội dung quan trọng của Luật Đo đạc và bản đồ. Theo đó, Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT là chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chiến lược phát triển, Kế hoạch triển khai thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trình Chính phủ phê duyệt.
Để xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, Bộ TN&MT sẽ chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển, Kế hoạch triển khai; xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện; lựa chọn và phát triển công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Ngoài ra, xây dựng, tích hợp dữ liệu không gian địa lý và xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam và các ứng dụng, dịch vụ dữ liệu không gian địa lý.
Theo đó, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia phải bảo đảm dữ liệu không gian địa lý được chuẩn hóa, tập hợp đầy đủ từ Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân; được cập nhật thường xuyên để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao dân trí; thuận lợi cho cung cấp các dịch vụ công; bảo đảm khả năng kết nối liên thông với hạ tầng dữ liệu không gian địa lý các nước trong khu vực và quốc tế.