Sáng 19-10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp hội Hà Nội) tổ chức hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh nêu rõ, mục đích của cuộc hội thảo nhằm trao đổi, đề xuất các giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội trí thức, góp phần tham gia đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 6-8-2008 của Bộ Chính trị về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (1982-2022).
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi và thảo luận các nội dung: Vai trò, trách nhiệm của trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại; những đóng góp của đội ngũ trí thức và các Hội trí thức trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển và làm chủ công nghệ, trong xây dựng nông thôn mới, trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên địa bàn Thủ đô; những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cơ chế chính sách, giải pháp khuyến khích, tăng cường vai trò trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Liên hiệp hội Hà Nội, công tác thu hút, trọng dụng và phát huy trí thức của thành phố thời gian qua đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng cần được khai thác, phát huy và một số tồn tại cần khắc phục.
Bà Thoa cho rằng, các chính sách đã được ban hành nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích sự say mê, sáng tạo trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở một số cấp, thủ tục hành chính vẫn còn trở ngại khiến không ít các nhà trí thức vẫn còn băn khoăn, chưa yên tâm để cống hiến sức lực và trí tuệ. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả. Thiếu cơ sở dữ liệu để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân có thể khai thác chung.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế.
TS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội luôn được Liên hiệp hội Hà Nội quan tâm và đạt những kết quả khả quan, nhất là từ sau Nghị quyết 27-NQ/TƯ của Trung ương Đảng, Quyết định số 71/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố.
Để nâng cao hơn nữa công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong xây dựng và phát triển Thủ đô, ông đề nghị, cần đổi mới và xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể chịu tác động theo pháp luật quy định.
“Những quy định cụ thể với thành phố Hà Nội đã được quy định khung trong Quyết định số 25/2022/QĐ-UBND song cần cụ thể hơn về tính chất, phạm vi áp dụng, cơ chế tài chính của hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Các ý kiến đóng góp cũng cần được các cơ quan quản lý, cơ quan xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp quy trao đổi khách quan có tiếp thu, có giải trình để nâng tầm thực tiễn”, ông Nghiêm nhấn mạnh.