Kết quả thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Tài nguyên và Môi trường

Email :
Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, ngày 17 tháng 4 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP tại Quyết định số 964/QĐ-BTNMT.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xây dựng, phát triển, hoàn thiện Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường, xác lập môi trường thông tin, dữ liệu điện tử tạo bứt phá về phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng ngành tài nguyên và môi trường số hiện thực vào năm 2025, tạo ra các giá trị góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần triển khai thực hiện, nhằm đáp ứng các chỉ tiêu chủ yếu cho từng giai đoạn (giai đoạn 2019 - 2020; giai đoạn 2021 - 2025), phù hợp với mục tiêu đặt ra.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý tạo môi trường cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử trong ngành tài nguyên và môi trường.
Cụ thể, Thông tư quy định quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường, dự kiến ban hành trong tháng 10/2019; Thông tư ban hành định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia; sửa đổi, bổ sung Quy chế tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; … Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tiếp tục xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, về ứng dụng công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập, chuẩn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tài nguyên và môi trường theo Quyết định số 3370/QĐ-BTNMT Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2019 - 2020.
Xây dựng, hoàn thiện nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử
Theo đó, ngày 26 tháng 12 năm 2017, Bộ đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phiên bản 1.0 tại Quyết định số 3339/QĐ-BTNMT; cập nhật, xây dựng dự thảo Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường (phiên bản 2.0) theo định hướng Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; dự kiến sẽ hoàn thiện, ban hành trong 10 tháng 2019 làm căn cứ triển khai thực hiện Chính phủ điện tử của ngành.
Cùng với đó, Bộ cũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan và các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2019 bảo đảm đúng tiến độ như: Đề án tổng thể Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Đề án xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; Đề án hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các bộ, ngành; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được cập nhật thường xuyên, kết nối, liên thông với Chính phủ, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, các đơn vị trực thuộc và ở địa phương.
Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp
Đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử; kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành triển khai Cổng Dịch vụ công trực tuyến (tại địa chỉ https://dvctt.monre.gov.vn) và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ (tại địa chỉ https://dvc.monre.gov.vn). Các hệ thống trên là đồng nhất, trên cơ sở dữ liệu dùng chung và sử dụng văn bản điện tử gắn với chữ ký số; sử dụng chung cơ sở dữ liệu người dùng và liên thông với hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử tạo sự thống nhất, đồng bộ, thuận tiện, an toàn trong triển khai Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Đến nay đã hoàn thành và đưa vào triển khai 114 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (64 dịch vụ công vận hành chính thức, 52 dịch vụ công đã hoàn thành thử nghiệm, công bố thực hiện chính thức trong năm 2019) trong đó có 92 dịch vụ công mức độ 3, 22 dịch vụ công mức độ 4, đạt 19,3% (trong đó 12 dịch vụ công tại Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ với một số dịch vụ công kết nối liên thông đến địa phương và 07 DVC tại Hệ thống hải quan một cửa quốc gia (tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn). Kết quả thực hiện vượt mức kế hoạch 66 thủ tục hành chính đã đăng ký theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2017, Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2018).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành nâng cấp, triển khai Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử (tại địa chỉ https://hscv.monre.gov.vn), tích hợp giải pháp dịch vụ ký số, đáp ứng đầy đủ các chức năng, nghiệp vụ theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia và đã cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định tại các Thông tư: số 01/2019/TT-BNV, số 02/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn toàn công tác xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện gửi, nhận hoàn toàn văn bản điện tử có ký số thay văn bản giấy (trừ văn bản mật) theo nội dung Công văn số 2887/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ, tỷ lệ văn bản điện tử gắn với chữ ký số của Bộ cơ bản đạt 100% (đứng đầu trong các bộ, ngành hiện nay).
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường chủ động phối hợp với các đơn vị trực thuộc xây dựng, nâng cấp, vận hành các hệ thống thông tin (Hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân; Hệ thống họp trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức…) phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hành chính trong hoạt động thường xuyên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan của Chính phủ, với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo mật thông tin, dữ liệu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan và theo Kế hoạch của Bộ tại Quyết định số 3313/QĐ-BTNMT ngày 25 tháng 12 năm 2017.
Cụ thể, Bộ đã triển khai các giải pháp bảo mật thông tin và đánh giá, giám sát an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin theo cấp độ theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ và Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thực hiện phòng chống, dò quét, ứng cứu sự cố, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tuyên truyền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu; triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định tại Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; Triển khai các giải pháp phòng chống mã độc nhằm nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018; phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số, xác thực điện tử cho các hệ thống thông tin.
Cùng với đó, Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, như: Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, bảo đảm nguồn kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ, thuê dịch vụ công nghệ thông tin do các doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hiện hành; Tiếp tục xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ về Chính phủ điện tử, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin của Bộ phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, về an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; Tiếp tục chủ động, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ trong việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp qua đó tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về triển khai Chính phủ điện tử; Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ theo hình thức dịch vụ công trực tuyến qua Hệ thống một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ./.
Theo monre.gov.vn 17/10/2019