Đối với trường hợp đo đạc bản đồ chính quy VN 2000, trường hợp hình thể và diện tích thửa đất thay đổi (trên 1000 m2): trình tự sử lý như thế nào?

Email :
Đối với trường hợp đo đạc bản đồ chính quy VN 2000, trường hợp hình thể và diện tích thửa đất thay đổi (trên 1000 m2): trình tự sử lý như thế nào?
Phòng Đo đạc bản đồ viễn thám trả lời:
Nội dung câu hỏi số 76 chưa nói rõ nguyên nhân làm thay đổi ranh giới, diện tích của thửa đất vì vậy chúng tôi chỉ trả lời về trình tự sử lý chung khi thửa đất bị thay đổi về diện tích và hình thể.
Căn cứ Điều 17 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính, có quy định về: Đo đạc chỉnh lý, bổ sung, đo vẽ lại bản đồ địa chính, Phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám có ý kiến như sau:
1, Trường hợp thực hiện chỉnh lý:
Khi chỉnh lý các thay đổi về ranh giới thửa đất thì việc thể hiện nội dung và lưu trữ thông tin chỉnh lý thực hiện như sau:
- Đường ranh giới mới của thửa đất được thể hiện trên bản đồ địa chính bằng mầu đỏ; đường ranh giới cũ được chuyển thành lớp riêng của tờ bản đồ địa chính dạng số, được gạch bỏ bằng mực đỏ đối với nơi sử dụng bản đồ địa chính dạng giấy;
- Việc chỉnh lý bản đồ địa chính phải thực hiện đồng bộ với việc chỉnh lý thông tin trong sổ mục kê đất đai và các tài liệu liên quan khác;
- Khi đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính được phép thực hiện bằng các phương pháp đơn giản như: giao hội cạnh, dóng thẳng hàng, đo bằng thước dây, chuyển vẽ từ bản đồ quy hoạch … và sử dụng các điểm khởi tính gồm: các điểm tọa độ từ lưới khống chế đo vẽ, lưới điểm trạm đo cũ trở lên; các điểm góc thửa đất, góc công trình xây dựng chính có trên bản đồ và hiện còn tồn tại ở thực địa; độ chính xác chỉnh lý thực hiện theo quy định về bản đồ địa chính.
2, Đo vẽ lại bản đồ địa chính:
Việc đo vẽ lại bản đồ địa chính được thực hiện đối với các khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng có biến động trong các trường hợp sau đây:
- Khu vực đất nông nghiệp đã thực hiện quy hoạch lại đất ruộng và “dồn điền đổi thửa” làm thay đổi toàn bộ bờ vùng bờ thửa;
- Khu vực thực hiện quy hoạch sử dụng đất để hình thành các khu trung tâm hành chính, khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp;
- Khu vực chỉ có bản đồ dạng giấy đã rách nát, hư hỏng không thể khôi phục và không thể sử dụng để số hóa;
- Khu vực đã có bản đồ địa chính được lập bằng phương pháp ảnh hàng không, phương pháp bàn đạc bằng máy kinh vĩ quang cơ, có tỷ lệ đo vẽ nhỏ hơn tỷ lệ cần phải đo vẽ trước ngày Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính có hiệu lực thi hành.