Bộ TN&MT báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề đất đai

30/07/2020
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Chiều 29/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội về báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề đất đai.

Về phía Đoàn công tác của Quốc hội có: Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Nguyễn Lâm Thành, Trần Thị Hoa Ry; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh cùng lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, Ủy ban các vấn đề xã hội...

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có: Bộ trưởng Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Lê Minh Ngân cùng lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ.

Nhiều kết quả trong công tác quản lý đất đai

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 15/11/2015 và Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, xây dựng các chính sách để triển khai thực hiện hiệu quả hai Nghị quyết này.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ 03 Nghị định, 01 Nghị quyết; 01 Chỉ thị; trực tiếp ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26/02/2015 quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công ty nông, lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước ban hành 10 Thông tư, Thông tư liên tịch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh.

Đến nay, đã tiến hành rà soát 275 công ty, trong đó: giữ lại là 257 công ty (124 công ty nông nghiệp, 133 công ty lâm nghiệp; 97 công ty do Trung ương quản lý, 160 công ty do địa phương quản lý). Diện tích các nông, lâm trường dự kiến bàn giao về địa phương theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 là 465.029 ha, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương từ trước đến nay đạt 1.086.594 ha (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565 ha, theo Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029 ha).

43/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành đo đạc, cắm mốc ranh giới sử dụng đất đo đạc lập bản đồ địa chính; đã thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng đất cho 117/257 công ty…

Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Mặc dù đã thực hiện được một số kết quả nêu trên, song hiện vẫn còn bất cập, hạn chế cần phải được nhận diện, để giải quyết như: Hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường vẫn còn kém hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai; nguồn lực đất đai chưa thực sự được phát huy; vẫn tiềm ẩn nguy cơ rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá, nguy cơ suy thoái môi trường tăng cao…

Để giải quyết căn cơ, đồng bộ vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị một số nội dung sau: Đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí để hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho các địa phương bảo đảm việc đo đạc, cắm mốc giới đất đai, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp GCN và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, do địa bàn này nằm hầu hết ở các tỉnh có khó khăn về ngân sách, hàng năm ngân sách Trung ương phải hỗ trợ, hơn nữa đối tượng thụ hưởng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa, vùng có vị trí chiến lượng về quốc phòng, an ninh.

Hội đồng Dân tộc báo cáo Quốc hội bố trí ngân sách để hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị quyết số 112/2015/QH13; đồng thời đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường tại địa phương.

Về triển khai Nghị quyết 113/2015/QH13, riêng đối với nội dung bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào khu vực tái định cư dự án thủy điện, thủy lợi và di dời ra khỏi nơi thường xuyên bị thiên tai; trồng bù diện tích rừng các dự án thủy điện, thủy lợi, việc thu hồi đất để thực hiện các công trình thủy điện, thủy lợi, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 quy định chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; Quyết định số 1457/QĐ-TTg ngày 25/10/2019 phê duyệt Đề án: “Rà soát và hoàn thiện các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện”.

Trong thời gia qua, Bộ đã tích cực tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách về đất đai liên quan đến đồng bào DTTS, trong đó ngoài các quy định bảo đảm cho đồng bào có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các dân tộc khác, còn có các quy định khác liên quan đến việc sử dụng đất ở, đất sản xuất của đồng bào phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS; khuyến khích và bảo đảm cho đồng bào DTTS giữ được đất, giữ được bản sắc dân tộc, ổn định cuộc sống và làm giàu trên đất được giao.

Để có thể giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào DTTS trong bối cảnh quỹ đất hạn chế nhưng nhu cầu sử dụng đất của đồng bào DTTS ngày càng tăng do việc gia tăng dân số, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cần nghiên cứu xây dựng một chính sách tổng thể, đồng bộ, trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn cách sản xuất hiệu quả, có việc làm và thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tại địa phương. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và cơ chế chính sách như tài chính, đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, khuyến nông, chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ việc làm... Riêng lĩnh vực đất đai, ngoài các quy định hiện hành trước mắt cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo quỹ đất sản xuất và hạn chế tình trạng giao dịch đất đai bất hợp pháp đã được Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào DTTS.

Các Bộ, ngành Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động rà soát thực hiện các chính sách có liên quan đến hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn cả nước.

Đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng phương án tạo quỹ đất để giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS thông qua việc rà soát quỹ đất có khả năng khai hoang, phục hóa trên địa bàn từng xã; rà soát quỹ đất sử dụng không hiệu quả của các nông, lâm trường, ban quản lý rừng để bàn giao lại cho địa phương quản lý và ưu tiên giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Các địa phương rà soát, kiểm tra các trường hợp sử dụng đất ở, đất sản xuất có nguy cơ sạt lở, sụt lún, xói mòn,...bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng, tài sản của con người để quyết định thu hồi đất, bố trí nơi ở tạm và thực hiện tái định cư đối với người phải cưỡng chế di dời theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai, Khoản 2 Điều 65 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật đất đai cho đồng bào DTTS, đặc biệt là phải huy động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.

Hoàn thiện việc quản lý đất nông, lâm trường

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản, cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện, trong bối cảnh nông lâm trường chuyển đổi, cổ phần… qua đó khoanh định diện tích các nông lâm trường, rà soát, cấp giấy chứng nhận; cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất nông lâm trường để quản lý, sử dụng hiệu quả.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân kiến nghị, về chính sách cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội để hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nông lâm trường; về tái cơ cấu doanh nghiệp nông lâm trường, do nông lâm trường quản lý nhiều loại đất, nhiều nơi có cả đất rừng phòng hộ, đất tự nhiên, rừng đặc dụng do đó nếu trong quá trình chuyển đổi theo hướng cổ phần nếu không tính đến sẽ khiến chuyển sở hữu đất từ Nhà nước sang sở hữu tư nhân. “Luôn phải giữ Nhà nước nắm cổ phần chi phối, kể cả diện tích đã rà soát đưa vào phương án sử dụng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần tách diện tích rừng tự nhiên do các doanh nghiệp nông lâm trường về các Ban quản lý rừng của địa phương, tránh việc các doanh nghiệp lợi dụng khai thác.

Đồng quan điểm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trên thực tế hiện nay vấn đề quản lý nông lâm trường, nhất là lâm trường cà phê người dân tham gia góp đất, trang thiết bị máy móc, nếu cổ phần sẽ phát sinh tranh chấp, không công bằng.

Một vấn đề khác được Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra là vấn đề quản lý ở các lâm nông trường còn lỏng lẻo, ranh giới ở nhiều nơi còn chưa phân định dẫn tới xâm lấn, giao đất tùy tiện dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp.

Ngoài ra, còn có tình trạng một số nông lâm trường thuộc quản lý của các Bộ, ngành Trung ương dẫn tới công tác quản lý còn gặp khó khăn; diện tích đất trả lại địa phương của các nông lâm trường do tranh chấp, vị trí không phù hợp… Do đó, cần bố trí kinh phí cho việc đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu nông lâm trường tổng thể để quản lý, giao cho người dân sử dụng cho hiệu quả vừa bảo đảm được vấn đề sinh kế, vừa giữ được rừng, phòng chống thiên tai, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm bền vững.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chi tiết, đầy đủ, bám sát đề cương và những nhận định đánh giá rất khách quan và phản ánh đúng thực trạng tình hình hiện nay trong trách nhiệm quản lý nhà nước.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến cũng đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai rằng từ khi có Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội đã có sự đột phá trong quản lý đất đai nông lâm trường, trong đó có sự đóng góp lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu cho Chính phủ các nghị định, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là nhấn mạnh việc chỉ ra những nguyên nhân tồn tại, những hạn chế và chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong nhiệm vụ cụ thể được giao.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị bổ sung, tiếp thu thêm các ý kiến trong cuộc họp để hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc. Trong đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ các vấn đề lớn như vấn đề quản lý và sử dụng kém hiệu quả, không phát huy được nguồn lực đất đai từ đất nông lâm trường; phần đất giao cho địa phương sử dụng không đúng mục tiêu ban đầu; xây dựng các giải pháp để có được nguồn lực kinh phí đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra trong hai Nghị quyết; xây dựng chính sách tầm quốc gia để giải quyết vấn đề đáp ứng đủ diện tích đất để sản xuất, xây dựng nguồn sinh kế cho đồng bào…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng tiếp thu những ý kiến, kết luận của Đoàn. Đồng thời khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm triển khai có hiệu quả cao, hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu các chương trình, nội dung Đoàn làm việc.

Theo monre.gov.vn

http://monre.gov.vn/Pages/bo-tn&mt-bao-cao-viec-thuc-hien-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-giam-sat-chuyen-de-dat-dai.aspx