Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng

Email :
“Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” - Đây là chủ đề của buổi Tọa đàm được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố tổ chức chiều 29/11.
 
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Phạm Thị Nguyên Hạnh; Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đinh Văn Khóa; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh chủ trì Hội nghị. Cùng dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc thành phố Hà Nội.
 
Phát biểu đề dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây là một trong 3 nội hàm quan trọng trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. 
Năm 2017, thành phố đã ban hành 2 quy tắc ứng xử. Năm 2019, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố ban hành Kế hoạch số 04/KH-HĐTĐKT ngày 19/6/2019 về tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.
 
“Hơn 6 năm thực hiện các Quy tắc ứng xử và 4 năm thực hiện phong trào đã góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện. Qua đó góp phần định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức, công dân trong gia đình và xã hội; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh. 
Tham luận tại Tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Hoàng Thu Hồng đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai 2 quy tắc ứng xử trên. Trong đó, các cấp Hội phụ nữ đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” gắn với xây dựng nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”. Đồng thời, đổi mới phương thức tuyên truyền về văn hóa ứng xử, nét đẹp người Hà Nội thanh lịch văn minh; tăng cường xây dựng các sản phẩm truyền thông…
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức người lao động thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức về văn hóa công sở, nơi công cộng. Bên cạnh đó ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan gắn với thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử. Nhờ đó, sau thời gian thực hiện, các cơ sở y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin và sự hài lòng của người bệnh, giúp các bệnh viện hoạt động hiệu quả hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Các bệnh nhân được quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn tận tình chu đáo khi đến khám chữa bệnh, đồng thời có điều kiện tốt, thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ y tế; tiết kiệm được chi phí khi đi khám, chữa bệnh.
 
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân chia sẻ, tùy từng lĩnh vực hoạt động chuyên môn của cán bộ công chức viên chức, Ban lãnh đạo Sở đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử cũng như phong trào “Cán bộ công chức viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” cho phù hợp. Khi văn hóa công sở và nơi công cộng đã thấm nhuần vào nhận thức, thì tinh thần thái độ trong thực thi công vụ, phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, người dân của mỗi cán bộ công chức viên chức đều được nâng lên, góp phần tạo nên Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Hà Nội đã đứng thứ nhất trong khối sở, ngành thành phố. "Các năm 2023 và 2024, thực hiện chủ đề công tác của thành phố, Sở sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ 2 quy tắc ứng xử này trong mỗi hoạt động trọng tâm cũng như hoạt động lồng ghép của toàn ngành, để thực hiện tốt hơn phong trào thi đua “Cán bộ công chức viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nhấn mạnh.
 
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, ngay từ các chi bộ trong Đảng bộ Sở đã kịp thời có những định hướng, uốn nắn để các đảng viên, cán bộ, công chức thực hiện bám sát các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử… Đặc biệt, Sở đã phát động trong tập thể cán bộ, công chức tích cực thực hiện phong trào thi đua “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính tại Sở với phương châm 4S - 2K” (sẵn sàng xử lý văn bản trên phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp, sẵn sàng gửi - nhận email, sẵn sàng cập nhật dữ liệu, sẵn sàng số hóa hồ sơ nộp trực tiếp đối với các TTHC đã cung cấp mức độ 3 và không sử dụng tài liệu giấy khi họp, không sao chụp văn bản). Tại tọa đàm, các tham luận cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, nhiều mô hình, cách làm hay trong việc xây dựng văn hóa công sở...
 
Kết luận Tọa đàm, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Phạm Thị Nguyên Hạnh khẳng định: Những ý kiến trao đổi tại Tọa đàm cho thấy, việc thực hiện cụ thể hóa những nội dung trong 2 quy tắc ứng xử tại các cơ quan sơ, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố thể hiện có những cách làm khác nhau, đều là những kinh nghiệm, cách làm rất hay, mà từ đó các cơ quan của Thành phố có thể học hỏi để rút ra cách làm phù hợp với đơn vị mình. Đáng chú ý, các ý kiến đều toát lên một nhận định quan trọng mấu chốt nhất trong nâng cao văn hóa công sở và nơi công cộng vẫn là nhận thức và tư duy, nhận thức có đúng thì hành động mới đúng.
 
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội cũng cho biết, Ban Tổ chức Tọa đàm sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, nhất là những đề xuất kiến nghị, từ đó đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nghiên cứu để có thể xây dựng thành phim, phóng sự hoặc những hình ảnh trực quan..., để tạo được tính lan tỏa cao hơn trong công tác tuyên truyền...