Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn Thành phố

Email :
Chiều 17/7, UBND Thành phố tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác đề án 06 của Chính phủ; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Thành phố.
 
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính UBND Thành phố còn có đại diện các lãnh đạo bộ, ngành; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố với hơn 33 nghìn đại biểu tham dự.
 
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo nhanh về việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2023. 
 
Về các kết quả cụ thể, với nhóm dịch vụ công, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, Hà Nội đã tổ chức triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp của thành phố vận hành từ 11/4. Ngày 04/7/2023, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND Thành phố khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn. Theo đó, khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đối với 82 thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện DVCTT có thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND TP sẽ có mức thu bằng "không" kể từ khi Nghị quyết được ban hành đến hết ngày 31/12/2025 (dự kiến Ngân sách không thu khoảng 37 tỷ đồng/năm khi thực hiện). Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định mức thu phí này.   
Bên cạnh đó, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo và quán triệt, chấn chỉnh việc thực hiện; rà soát và xác định 65 TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền của Thành phố có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy phải nộp hoặc xuất trình khi thực hiện TTHC. Đến nay, các cơ sở khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe đã hoàn thành đăng ký tài khoản liên thông trên Cổng Giám định Bảo hiểm y tế (BHYT); đã có 48 đơn vị liên thông thành công dữ liệu Giấy chứng sinh, liên thông 7.192 dữ liệu Giấy chứng sinh. Với việc thí điểm 2 dịch vụ công liên thông, Thành phố tiếp nhận và giải quyết tổng số 34.253 hồ sơ. Từ tháng 5/2023, Hà Nội triển khai thí điểm việc cấp bản sao điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử thực hiện liên thông TTHC. Thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (Có 9/25 DVCTT được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến).
 
Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết thêm, Hà Nội hiện có 4.734.188 người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với CCCD, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT; 1.142.934 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ CCCD cho nhân dân, đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật... ngày 05/5/2023, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP đã ban hành Mệnh lệnh 01 về tập trung chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD, kích hoạt định danh điện tử cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn. Tính đến ngày 28/6/2023, toàn Thành phố đã kích hoạt 4.220.601/6.220.864 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 67,8%. 
 
Nhấn mạnh, năm 2023 được chọn là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung thực hiện việc số hóa, cập nhật dữ liệu theo chỉ đạo của bộ, ngành chủ quản, hướng đến xây dựng, hình thành các CSDL chuyên ngành; phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với các CSDL khác. Công an Thành phố tiếp tục chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã và các phòng nghiệp vụ có liên quan triển khai nhiều giải pháp để làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” trên địa bàn: Cập nhật CMND 9 số; cập nhật các trường thông tin công dân còn thiếu; điều chỉnh chủ hộ; xóa trùng thông tin; đề xuất hủy số định danh/CCCD; làm sạch dữ liệu công nhân đóng BHXH tại các Khu công nghiệp... Tính đến ngày 16/6/2023, đã có 9/30 quận, huyện đã hoàn thành việc số hóa Sổ hộ tịch với tổng số 2.807.605 trường hợp. Sở Tư pháp đã có Văn bản gửi UBND quận, huyện, thị xã hướng dẫn và đề nghị hoàn thành số hóa Sổ hộ tịch trong năm 2023. Các CSDL về cán bộ, công chức, viên chức; đất đai nhà ở; doanh nghiệp, thuế, Bảo hiểm xã hội đã và đang được triển khai đúng tiến độ.
 
Nêu các khó khăn vướng mắc, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh, vấn đề pháp lý, hạ tầng vẫn là "điểm nghẽn" chính dẫn đến bất cập, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dịch vụ công thiết yếu đối với cả cán bộ, công chức, viên chức và người dân dẫn đến tình trạng tỷ lệ thực hiện DVCTT trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Việc triển khai xây dựng, số hóa dữ liệu chuyên ngành của một số bộ, ngành còn chậm trễ, chưa đảm bảo tiến độ. Trong khi đó, địa phương phải căn cứ hướng dẫn của bộ, ngành mới có thể triển khai (để đảm bảo thống nhất với phần mềm của bộ, ngành, tránh dàn trải, lãng phí), do đó địa phương không thể chủ động số hóa dữ liệu để sớm có tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. 
 
Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2023, Hà Nội đặt ra 15 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể tới các sở, ngành. Trong đó, đáng chú ý, Công an Thành phố sẽ tập trung hoàn thành 3 nhiệm vụ: Tạo mã QR để người dân truy cập trung tâm hướng dẫn các nghiệp vụ về định danh, DVC; Tham mưu, nghiên cứu tổ chức triển khai Mô hình điểm trên cơ sở tình hình thực tế, khả năng và nguồn lực của thành phố… Văn phòng UBND Thành phố đánh giá toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của cơ quan mình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, để từ đó lựa chọn những dịch vụ công thiết thực, tần suất sử dụng cao gắn liền nhu cầu hằng ngày của người dân, doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tiến tới cung cấp các ứng dụng (Apps) TTHC để người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến hiệu quả với chính quyền…  Sở Y tế tập trung thực hiện việc chuyển Giấy chứng sinh điện tử, Giấy báo tử điện tử thông qua hạ tầng của BHXH Việt Nam kết nối với hệ thống phần mềm DVC liên thông. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai ứng dụng quản lý nguồn thu, kết nối, tích hợp dữ liệu với CSDL giáo dục đào tạo để kết nối với các ngân hàng, ví điện tử để thực hiện nhiệm vụ "các trường học thu phí không dùng tiền mặt". Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai cấp tài khoản an sinh cho 100% công dân Thành phố thuộc đối tượng an sinh và thực hiện chi trả trợ cấp bằng hình thức điện tử (không dùng tiền mặt); Thu thập, cập nhật, làm sạch dữ liệu người có công để phục vụ giải quyết TTHC, phấn đấu để người dân không phải cung cấp bản giấy Quyết định về người có công để thực hiện thủ tục chi phí mai táng…. 
Báo cáo về công tác chuyển đổi số 6 tháng năm 2023, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, Thành phố đã xây dựng, ban hành các quy chế quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố. Thành phố đã ban hành quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến, thực hiện đến hết ngày 31/12/2025. 
 
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, một số quận, huyện đã nhận thức vai trò của chuyển đổi số và chủ động trong việc đề xuất, triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì vận hành khai thác Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. 100% hồ sơ hoàn thuế được xử lý điện tử. Đến nay, thành phố đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc Thành phố. Thành phố đã thực hiện kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố với các Bộ, ngành theo quy định. 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan của Thành phố được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin trong công việc.
Báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng năm 2023, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, về công tác cải cáchh TTHC, UBND Thành phố đã ban hành 30 Quyết định công bố danh mục TTHC mới, TTHC được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ; phê duyệt 857 quy trình nội bộ giải quyết TTHC. Tính đến ngày 10/6/2023, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là 1.875 TTHC, trong đó cấp Sở, cơ quan tương đương Sở là 1.385 thủ tục, cấp huyện là 339 thủ tục và cấp xã là 151 thủ tục. Các sở, ngành thành phố đã phê duyệt 428 quy trình; các quận, huyện, thị xã ban hành 1.684 quy trình; cấp xã ban hành 2962 quy trình và 113 quy trình liên thông cấp xã và huyện...