Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân: Quyền lợi người dân và tiến độ dự án ưu tiên hàng đầu

Email :

Hà Nội là địa phương có nhiều dự án lớn triển khai, tác động đến hàng nghìn hộ dân; trong đó có nhiều việc khó cần xử lý, như: Bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đất đai có nguồn gốc phức tạp... Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân xung quanh vấn đề này, sau hơn 3 tháng Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.

- Trước hết, đồng chí đánh giá như thế nào về những áp lực trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024?

- Theo tôi, áp lực về tiến độ trong công tác GPMB tại Thủ đô Hà Nội là rất lớn. Luật Đất đai 2024 có nhiều đổi mới về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo điều kiện hơn cho các đối tượng. Với các dự án trọng điểm, có nguyên tắc không tăng tổng mức đầu tư, nhưng việc áp dụng chính sách mới lại gia tăng chi phí bồi thường. Ngoài ra, tiến độ GPMB cũng ảnh hưởng bởi khối lượng công việc lớn, phải rà soát lại toàn bộ các bước từ điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm... đến lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của Luật Đất đai 2024 đối với các trường hợp chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Dù vậy, chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc bồi thường minh bạch, công bằng trong quá trình thực hiện, đồng thời linh hoạt kiến nghị các giải pháp nhằm giảm tải áp lực công việc, phù hợp với quy định pháp luật.

Luật Đất đai 2024 mang lại nhiều điểm mới, tiến bộ, đặc biệt là việc bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người dân thông qua cơ chế bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, thực tế triển khai GPMB hiện nay vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là với các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024.

Những thách thức lớn nhất bao gồm sự khác biệt trong chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư giữa hai thời kỳ. Chẳng hạn, các dự án đã phê duyệt phương án bồi thường theo Luật Đất đai 2013 sẽ không được điều chỉnh theo chính sách mới, dù quyền lợi người dân có thể thấp hơn. Điều này dễ gây ra sự so sánh, dẫn đến việc người dân chần chừ hoặc chưa đồng thuận bàn giao đất. Ngoài ra, việc cập nhật bảng giá đất mới, đơn giá bồi thường nhà cửa, kiến trúc, cây cối hoa màu, cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo Luật mới... đang gia tăng khối lượng công việc, đòi hỏi các cơ quan nỗ lực hơn nữa.

Độ vênh về chính sách giữa giai đoạn chuyển tiếp của Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024 là vấn đề thực tế mà chúng tôi đã lường trước. Chính sách mới thường ưu việt hơn, nên việc so sánh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 chỉ áp dụng cho những phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt sau ngày 1/8/2024. Các phương án đã phê duyệt trước đó sẽ không được điều chỉnh. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về các chính sách này. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép sử dụng dữ liệu đã có đối với trường hợp không thay đổi bản chất chính sách áp dụng, nhằm giảm khối lượng công việc, đẩy nhanh tiến độ GPMB ở cấp cơ sở.

Hà Nội đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, như: Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, quốc lộ 6 mở rộng, cao tốc Láng - Hòa Lạc giai đoạn 2, Vành đai 3.5... Sở Tài nguyên và Môi trường đã tháo gỡ khó khăn trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như thế nào, thưa đồng chí?

- Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tham mưu các địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai 2024 và văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngay sau khi Chính phủ có Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 56/2024/QĐ-UBND quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20-9-2024, thay thế các quy định trước đó, gồm: Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017; Quyết định số 27/2024/QĐ-UBND ngày 05/4/2024; đồng thời, Sở tổ chức tuyên truyền, tập huấn, giải đáp thường xuyên vướng mắc ngay tại cơ sở.

Đối với các dự án trọng điểm, ngành Tài nguyên và Môi trường còn thành lập các tổ tháo gỡ vướng mắc, trả lời trực tiếp 24/7 cho cấp cơ sở. Đối với vấn đề vượt và ngoài thẩm quyền, đơn vị báo cáo, đề xuất xin ý kiến cấp trên theo quy định.

Đối với những dự án trọng điểm, dự án chuyển tiếp, chúng tôi đã triển khai Tổ công tác liên ngành do Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng, Sở Tài nguyên và Môi trường là Thường trực. Tổ công tác này họp định kỳ để rà soát khó khăn, vướng mắc từ cấp quận, huyện và đề xuất giải pháp cụ thể.

Chúng tôi cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan để đồng bộ hóa chính sách, tránh tình trạng "nơi này một kiểu, nơi kia một kiểu". Ngoài ra, việc xây dựng khu tái định cư bảo đảm chất lượng, gần nơi ở cũ, có hạ tầng xã hội tốt cũng được ưu tiên để người dân yên tâm khi chuyển đến nơi ở mới.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên chủ trì cùng các ngành liên quan tổ chức kiểm tra thực địa, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB; báo cáo UBND thành phố quyết định biện pháp, mức hỗ trợ để bảo đảm nơi ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản theo từng dự án.

- Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể?

- Chẳng hạn, đối với Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên địa bàn huyện Thạch Thất, Sở đã nhận được Văn bản số 2065/UBND-TTPTQĐ ngày 14/10/2024 từ UBND huyện Thạch Thất phản ánh các vướng mắc. Tổ công tác liên ngành của thành phố (thành lập theo Quyết định số 2815/QĐ-UBND ngày 29/5/2024) đã họp và kiểm tra thực địa vào ngày 18/10/2024 để đưa ra hướng dẫn.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 8765/STNMT-QHKHSDĐ ngày 01/11/2024 hướng dẫn chi tiết nội dung vướng mắc, như: Xử lý đất giao không đúng thẩm quyền; bồi thường tài sản hình thành trước thời điểm bắt buộc cấp phép xây dựng; hỗ trợ chuyển đổi nghề và việc làm; xử lý đất quốc phòng cho cán bộ mượn; chuyển tiếp các trường hợp kiểm đếm bắt buộc, nhưng chưa bồi thường…

Hay như đối với Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mở rộng quốc lộ 6 - đoạn qua địa phận quận Hà Đông, thành phố đã có những điều chỉnh quan trọng về tái định cư. Cụ thể, các hộ dân tại quận Hà Đông được tái định cư ngay trong địa bàn, thay vì chuyển về huyện Thanh Oai như trước. Các phương án chênh lệch diện tích tái định cư cũng được tính toán phù hợp theo bảng giá đất thành phố và giá đất cụ thể bồi thường. Điều này bảo đảm người dân di dời nhanh chóng ổn định cuộc sống, được hỗ trợ tối đa theo quy định...

Các hướng dẫn trên không chỉ giúp giải quyết vướng mắc pháp lý mà còn tạo điều kiện để các dự án trọng điểm triển khai đúng tiến độ, bảo đảm quyền lợi người dân và tính minh bạch trong quản lý đất đai.

- Kinh nghiệm xử lý điểm nóng trong GPMB, tái định cư và biện pháp gì để đạt hiệu quả cao trong giai đoạn tới, thưa đồng chí?

- Với sự đồng hành của người dân và nỗ lực từ chính quyền các cấp, tôi tin rằng công tác GPMB sẽ ngày càng hiệu quả hơn. Hà Nội đã xây dựng quy trình rõ ràng, đồng bộ để giải quyết dứt điểm tồn đọng, bảo đảm lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các dự án cụ thể, đặc thù, đồng hành với địa phương để triển khai hiệu quả; tăng cường vận động, thuyết phục, giải quyết thắc mắc của công dân liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Công tác GPMB luôn tiềm ẩn nhiều thách thức, nhưng thay vì chờ đợi giải quyết khó khăn, chúng tôi đề cao nguyên tắc: Giải quyết công việc theo hình thức cuốn chiếu, việc nào rõ ràng thì làm trước, việc nào vướng mắc thì xử lý sau.

Đối với những dự án đặc thù, như giao thông, trường học, an ninh, quốc phòng, trong trường hợp cấp thiết, có thể áp dụng phương pháp cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là khâu tuyên truyền, vận động. Không chỉ dừng ở việc phổ biến quy định pháp luật, chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân loại từng trường hợp cụ thể để có phương pháp vận động, động viên cá biệt phù hợp.

Nguyên tắc của chúng tôi là bảo đảm chính sách công bằng, đồng nhất, tránh tình trạng so sánh hay bất mãn giữa các trường hợp. Tuy nhiên, với những trường hợp thực sự khó khăn, địa phương vẫn cần sự linh hoạt, đồng hành, tạo sự đồng thuận cao nhất. Tôi cho rằng, GPMB vừa là công việc khó, nhưng cũng có thể dễ nếu chúng ta biết cách làm. Công tác dân vận chính là nghệ thuật không thể thiếu, kết hợp chặt chẽ hành lang pháp lý của Nhà nước.

Hy vọng, với những nỗ lực của ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng, toàn thành phố nói chung, các bất cập sớm được tháo gỡ để các dự án phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đúng tiến độ, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh...