Ngành Tài nguyên và Môi trường tuổi 20 - Dấu ấn các nhiệm kỳ

Email :
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đặt ra cho Ngành Tài nguyên và Môi trường những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành nỗ lực, quyết tâm đóng góp sức lực, trí tuệ và tài năng của mình góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xin trân trọng giới thiệu quý độc giả những dấu ấn nổi bật qua các nhiệm kỳ kể từ ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 

* Nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XI: Xây nền móng vững chắc cho toàn Ngành TN&MT

Trong nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XI (8/2002 - 8/2007), đất nước phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp khó lường, nhất là các tác động tiêu cực do những biến động bất lợi của tình hình kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới. Trong nước, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên diện rộng với mức độ nghiêm trọng nhưng với quyết tâm cao, kế thừa những thành quả và kinh nghiệm của hơn 15 năm đổi mới, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng Mai Ái Trực - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng đã đặt những “viên gạch hồng” đầu tiên cho quá trình phát triển của toàn Ngành. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong giai đoạn này là nhanh chóng ổn định tổ chức, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện phân công, phân cấp hợp lý cho các cán bộ và chính quyền địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu tố nại tố cáo, đặc biệt là lĩnh vực đất đai; chú trọng công tác điều tra cơ bản, dự báo; xây dựng đội ngũ cán bộ của toàn ngành.

Mục tiêu đã rõ, quyết tâm đã có, trong một thời gian ngắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, bảo đảm phù hợp với nội dung và yêu cầu quản lý Nhà nước trong cơ chế kinh tế mới. Về cơ cấu tổ chức, Bộ có 35 tổ chức trực thuộc, trong đó, có 17 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, 14 tổ chức sự nghiệp và 4 doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, cơ cấu tổ chức của Bộ có sự điều chỉnh và sắp xếp cho phù hợp với điều kiện thực tế, tinh gọn và hiệu quả hơn. Bộ đã tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện; hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân các cấp quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường; chủ động phối hợp với các bộ, ngành khác để hình thành các đơn vị chuyên trách quản lý môi trường ở cấp Bộ, thành lập lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, ... 

Trong giai đoạn này, đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách quản lý tài nguyên và môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài nguyên và Môi trường. Hoàn thiện thể chế để tạo bước đột phá trong quản lý ngành, tăng cường tính minh bạch, linh hoạt trong hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, đồng thời theo kịp sự chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Với tầm quan trọng đó, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản. Công tác xây dựng thể chế đã tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội và tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Bộ đã tích cực chỉ đạo công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Mục tiêu đề ra là tăng cường tính công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực đang có nhiều bức xúc như đất đai. Bộ là một trong số ít các Bộ đi tiên phong trong việc triển khai áp dụng cơ chế "một cửa", thí điểm mô hình "một cửa liên thông", tổ chức giao lưu trực tuyến với nhân dân và doanh nghiệp, thiết lập kênh thông tin trả lời tổ chức, công dân về tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Chỉ thị cải tiến lề lối làm việc, hướng về địa phương và cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của cơ quan thuộc Bộ, được nhân dân và doanh nghiệp hoan nghênh. Việc tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí vào các hoạt động của Bộ đã được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi.

Nhìn lại những dấu ấn trong giai đoạn 2002 - 2007 để thấy, khó khăn xen lẫn tự hào bởi những đóng góp của các lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã có chuyển biến tích cực, sôi động, được xã hội ngày càng quan tâm, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đã được đẩy mạnh, gây dựng được lòng tin với nhân dân, với Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc thực thi nhiệm vụ của Ngành.

* Nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII: Không ngừng hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển bền vững

Quản lý nhiều ngành và lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân và doanh nghiệp, từ nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước như đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển và hải đảo đến chất lượng môi trường sống, các kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng tạo sức bật để toàn ngành Tài nguyên và Môi trường bước vào nhiệm kỳ mới với tâm thế bứt phá mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Cùng nhìn lại nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XII (8/2007 - 8/2011), một nhiệm kỳ mà đất nước phải đối mặt nhiều diễn biến phức tạp khó lường của tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới, nhất là những tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên diện rộng gây thiệt hại khá nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý báu của nhiều năm trước đây, đặc biệt là những kết quả trực tiếp của nhiệm kỳ 2002 - 2007, ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Đại biểu Quốc hội Khóa XII đã đề ra nhiệm vụ xuyên suốt trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn này là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ. Đồng thời, chuyển mạnh sang quản lý, điều hành phát triển trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường bằng pháp luật trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường; củng cố và hoàn thiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Về tổ chức bộ máy, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính và tổ chức bộ máy Nhà nước, trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong giai đoạn 2002 - 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại các Nghị định

số 19/2010/NĐ-CP, số 89/2010/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ đã bổ sung thêm chức năng quản lý Nhà nước về địa chất; biến đổi khí hậu; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; đã bãi bỏ hoặc chỉnh sửa các nhiệm vụ không còn phù hợp, bổ sung một số nhiệm vụ mới được phân công, còn thiếu hoặc chưa được quy định cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm có một đầu mối tập trung, thống nhất giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường; đã từng bước xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của một Bộ quản lý tổng hợp về tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường với các bộ, ngành khác giữ vai trò quản lý Nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Giai đoạn này, Bộ có 31 tổ chức trực thuộc, gồm: 18 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, 13 tổ chức sự nghiệp. Bộ còn có 3 văn phòng giúp việc các hội đồng, ban chỉ đạo; 2 doanh nghiệp trực thuộc Bộ và Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. So với giai đoạn trước, cơ cấu tổ chức của Bộ trong giai đoạn này được ổn định, đồng bộ hơn; số lượng các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước không tăng (không kể việc thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới được giao), giảm số đầu mối tham mưu, thực thi nhiệm vụ trong cùng một lĩnh vực, giảm số lượng văn phòng các tổ chức phối hợp liên ngành, bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ và sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ. Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương cũng được kiện toàn hơn.

Chính vì vậy, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đã được nâng cao: việc gắn quản lý tài nguyên thiên nhiên với bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững đã tăng cường, gắn kết chặt chẽ các lĩnh vực với nhau; hệ thống chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện và được tổ chức thực hiện; công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo được gắn kết, lồng ghép và đã được đẩy mạnh, tận dụng được các nguồn lực tổng hợp, trang thiết bị và công nghệ với nhiều đề án, dự án lớn được Chính phủ thông qua; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được đổi mới với việc tăng cường sự phối hợp của các cơ quan liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra diện rộng và chuyên đề trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ. 

Trong giai đoạn này, các chiến lược, quy hoạch trong các lĩnh vực của Bộ đã được tập trung xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Luật Đất đai năm 2003, Luật Tài nguyên nước đã được tổng kết, đánh giá chuẩn bị cho việc sửa đổi; Luật Đa dạng sinh học, Luật Khoáng sản (sửa đổi) được thông qua; Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được triển khai xây dựng. Các văn bản pháp luật đã thể hiện bước tiến mới trong tư duy lập pháp, chú trọng tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch của các quy định, xác lập rõ quyền của công dân và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, giảm mạnh sự can thiệp hành chính vào các quan hệ kinh tế, dân sự.

Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12/6/2009 về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/BCSĐTNMT ngày 2/12/2009 về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành Tài nguyên và Môi trường. Đây là những tư tưởng, văn kiện quan trọng định hướng sự phát triển của ngành trong giai đoạn 2008 - 2011 và những năm tiếp theo.

Với tổ chức bộ máy mới và việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, thực hiện cơ chế “một cửa” và đổi mới nội dung và cách thức tổ chức thực hiện công tác giao lưu trực tuyến với sự tham gia rộng rãi của các đơn vị trong Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của ngành, giảm mạnh chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện mối quan hệ giữa Bộ với các tổ chức, nhân dân và doanh nghiệp, tăng tính dân chủ trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính với nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức.

* Nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIII: Vượt qua thách thức, nâng cao vị thế của ngành

Trong nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIII (8/2011 - 8/2016), tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nợ công, giá cả, biến động chính trị một số nước và khu vực đã tác động đến kinh tế - xã hội nước ta; sự yếu kém của nền kinh tế, lạm phát, thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi; âm mưu chống phá, xâm phạm an ninh, chủ quyền quốc gia trở thành thách thức lớn đối với ngành Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, kế thừa kinh nghiệm, thành tựu của những nhiệm kỳ trước và thành tựu của 25 năm đổi mới đất nước, đặc biệt là những kết quả trực tiếp của nhiệm kỳ 2007 - 2011, ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phấn đấu và nỗ lực đổi mới vượt qua thách thức, nâng cao vai trò và vị thế của ngành trong quá trình phát triển đất nước.

Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt những kết quả nhất định trong việc thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.

Nổi bật phải kể đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực. Bộ đã trình Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ đã tích cực chỉ đạo xây dựng các dự án Luật thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII: đã xây dựng, trình ban hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Khí tượng thủy văn 2015; xây dựng dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ.

Đáng chú ý, Bộ đã xây dựng, trình ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược khoáng sản đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030; Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia; Quy hoạch hệ thống mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020; Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030; Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015; Nghị quyết về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước;... Đó là những văn bản định hướng quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong thời gian tiếp theo.

Nghiên cứu khoa học và công nghệ luôn là hoạt động đi trước một bước, là cơ sở khoa học “dẫn đường” cho các quyết định về quản lý, quy hoạch và phát triển. Với tầm quan trọng đó, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện 2 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Nhà nước; 7 chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ. Ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2016, tăng đáng kể so với giai đoạn 2007 - 2011, đặc biệt là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Những “trái ngọt” của hoạt động khoa học và công nghệ đã giúp hình thành hệ thống lý luận khoa học phục vụ cho việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đo đạc và bản đồ…, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách về tài nguyên và môi trường; làm luận cứ cho công tác điều tra, đánh giá hiện trạng và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về kết quả nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học.

Hợp tác quốc tế song phương, đa phương; hội nhập kinh tế trong các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường được mở rộng, đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã tiếp nhận, phê duyệt 53 dự án viện trợ với tổng vốn đã cam kết của các nhà tài trợ khoảng 152,76 triệu đôla Mỹ, trung bình mỗi năm, huy động hơn 30 triệu đô la. Bộ tiếp tục triển khai thực hiện tốt 5 Điều ước quốc tế song phương; 30 Điều ước quốc tế đa phương, trong đó, có 6 Điều ước quốc tế là các Công ước và Nghị định thư của Công ước; 18 Thỏa thuận quốc tế do Bộ là cơ quan chủ trì thực hiện và nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương khác do các đơn vị trực thuộc Bộ ký kết.

Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có chuyển biến rõ nét. Bộ đã đôn đốc các địa phương hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) các cấp và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước và cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm phục vụ công tác quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.

Bộ hoàn thành việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông (gồm có 61 hồ chứa trên 11 lưu vực sông) giúp tăng cường khả năng phòng tránh lũ lụt, hạn hán cho hạ du, góp phần điều chỉnh các cơ chế chính sách vận hành liên hồ, liên quan đến lưu vực các sông. Bộ thực hiện tốt công tác tham mưu cho Chính phủ trong xử lý những vấn đề mang tính chiến lược về biến đổi khí hậu; đề xuất chính sách, giải pháp trong tăng cường hợp tác về phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan của sông Mê Kông. Chấn chỉnh công tác cấp phép tài nguyên khoáng sản; quan tâm công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai. Tích cực triển khai các hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển và hải đảo, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Biển Đông; tập trung xây dựng thể chế, cơ chế quản lý Nhà nước trong lĩnh vực viễn thám…

Nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIII (8/2011 - 8/2016), Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Minh Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng; các đồng chí Thứ trưởng: Trần Hồng Hà, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Mạnh Hiển, Nguyễn Thái Lai, Nguyễn Linh Ngọc, Bùi Cách Tuyến, Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân.

* Nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV và đầu khóa XV đến nay: Đổi mới tư duy, bứt phá toàn diện

Trong nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV (8/2016 - 8/2021) và đầu Khóa XV đến nay, ngành Tài nguyên và Môi trường phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, đã xảy ra sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung, đặt ra những thách thức lớn về an ninh môi trường. Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện, sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia.

“Lửa thử vàng gian nan thử sức” - trong bối cảnh đó, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Bí thư Ban Cán sự Đảng đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt những kết quả nổi bật.

Bộ hoàn thành tổng kết, sơ kết 3 Nghị quyết quan trọng về tài nguyên và môi trường; trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI, Kết luận số 56-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; bổ sung nhiều chủ trương, giải pháp mới vào trong các văn kiện Đại hội Đảng các cấp…

 Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng thông qua trục liên thông văn bản, hệ thống điều hành, hệ thống thông tin báo cáo kết nối từ Trung ương đến địa phương. Hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã hội hóa với 782 trạm đo mưa độc lập, 103/181 trạm khí tượng, 125/234 trạm thủy văn, 21/27 trạm hải văn, 26/26 trạm khí tượng cao không, 14/14 trạm bức xạ, 268 trạm tự động đo thủy văn. Thiết lập mạng lưới 900 trạm quan trắc môi trường kết nối trực tuyến với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bộ hoàn thành chỉ tiêu về chỉ số cải cách hành chính; tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện đơn giản hóa 80,1% thủ tục hành chính, bãi bỏ, thay thế 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 1/3 - 1/2 thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất, thủ tục về môi trường, qua đó, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm. Bộ đã cơ bản hoàn thành cung cấp Dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với 100% thủ tục hành chính trong đó có 75,8% thủ tục ở mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ; tích hợp, cung cấp 33 thủ tục (tương ứng 48 Dịch vụ công mức độ 3, 4) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thuế và hệ thống thanh toán trực tuyến, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, về bảo hiểm phục vụ người dân/doanh nghiệp thanh toán nghĩa vụ tài chính trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Hợp tác quốc tế sâu rộng là một mục tiêu của ngành TN&MT nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường ở Việt Nam. Toàn ngành đã tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương, tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác song phương về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; đóng góp nhiều sáng kiến quy mô toàn cầu, khu vực liên quan đến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước thông qua các cơ chế hợp tác G7, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và các sáng kiến Tiểu vùng khác; tổ chức thành công Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6, Hội nghị Quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”; tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tham dự, đưa ra các cam kết quan trọng với cộng đồng quốc tế COP21 tại Paris, COP26 tại Glasgow. Đại diện thường trực của Việt Nam được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Châu Á khu vực 2. Qua đó, khẳng định, nâng cao vai trò, trách nhiệm, vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và khu vực.

Toàn ngành đã tập trung rà soát, đánh giá, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xây dựng trình Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), quyết sách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đột phá để đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững. Thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ trong bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý sinh vật biến đổi gen, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Xây dựng Chiến lược quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, tổng thể quan trắc môi trường quốc gia để bảo vệ, phục hồi môi trường sống, bảo vệ sinh thái cho các thế hệ tương lai.

Tài nguyên nước được Bộ quản lý theo quy hoạch tổng hợp, hướng đến việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia và tính liên vùng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước lưu vực sông, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh thông qua các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ nâng cao chất lượng dự báo để các bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; triển khai thực hiện các hành động, cam kết quốc tế, chủ động nghiên cứu các giải pháp chiến lược để chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác dự báo khí tượng thủy văn, dự báo sớm các xu thế thời tiết, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng thời tiết cực đoan. Triển khai thực hiện các hành động, cam kết quốc tế, chủ động nghiên cứu các giải pháp chiến lược để chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác đo đạc, bản đồ, ứng dụng viễn thám; quản lý chặt chẽ không gian, giám sát lãnh thổ. Trong đó, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia với độ chính xác cao làm nền tảng để hoàn chỉnh hệ quy chiếu, hệ tọa độ quốc gia 3D, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về Trái đất. Xây dựng, chuyển giao mô hình số độ cao độ chính xác cao khu vực đồng bằng và ven biển phục vụ công tác quy hoạch thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hoàn thành bàn giao cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên và môi trường nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành phân giới, cắm mốc trên thực địa (khoảng 84%) trên toàn tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia và thực hiện 2 Văn kiện pháp lý ký năm 2019.

Từ những kết quả, thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển và các khó khăn thách thức đang phải đối mặt, ngành Tài nguyên và Môi trường đã và đang từng bước không ngừng hoàn thiện để nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, khẳng định vai trò, vị thế của lĩnh vực quản lý quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người dân trong xã hội, góp phần ổn định kinh tế chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.

Nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV (8/2016 - 8/2021) và đầu Khóa XV đến nay, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, đứng đầu là đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng với các đồng chí Thứ trưởng: Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành, Trần Quý Kiên, Lê Minh Ngân.