Phát động phong trào thi đua Ngành TN&MT năm 2022: "Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả"

Email :
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ngành tài nguyên và môi trường với tinh thần “Thi đua ái quốc”, ý chí tự lực, tự cường, yêu ngành, yêu nghề, phát huy những thành quả đã đạt được, hãy nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, thi đua lao động sáng tạo, đặt quyết tâm cao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022
Ngày 31/12/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 8240/BTNMT-TĐKTTT gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Khối trưởng, Cụm trưởng các Khối, Cụm thi đua về việc phát động phong trào thi đua năm 2022.
Năm 2022, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành tài nguyên và môi trường; là năm tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các kế hoạch theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Đồng thời, thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002- 2022), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào thi đua toàn ngành tài nguyên và môi trường năm 2022 với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả” nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành tài nguyên và môi trường đặt quyết tâm cao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.
Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số ngành tài nguyên và môi trường
Các nội dung phong trào thi đua gồm: Thi đua đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thi đua thực hiện chuyển đổi số; phát triển Chính phủ số ngành tài nguyên và môi trường; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong công tác chỉ đạo điều hành, kết nối liên thông giữa các ngành, các cấp; nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; củng cố và hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường, đổi mới sáng tạo.
Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường là một hạt nhân tích cực trong phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở; tạo dựng hình ảnh người cán bộ ngành tài nguyên và môi trường “Trung thành - Tận tụy; Sáng tạo - Gương mẫu”, góp phần xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Tiếp tục hưởng ứng, triển khai thực hiện có hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động; làm tốt công tác xây dựng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến; thực hiện đánh giá, xếp loại, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn với sản phẩm, chất lượng, hiệu quả công việc.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Để triển khai các phong trào thi đua hiệu quả, Bộ TN&MT đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, tập trung xây dựng, ban hành các chương trình hành động, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành tài nguyên và môi trường thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Hai là, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu: Xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Tổng
kết thi hành Luật quản lý tài nguyên nước và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổng kết đánh giá và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản. Tập trung xây dựng, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia đồng bộ.
Ba là, phát triển tài nguyên số, dữ liệu số, chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường, phát triển vận hành hệ thống thông tin đất đai (MPLIS), cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường. Chỉ đạo điều hành về tài nguyên và môi trường, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Bốn là, đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua, khen thưởng, gắn phong trào thi đua với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị; xây dựng kế hoạch, nội dung, tiêu chí cho từng công việc phù hợp với lĩnh vực quản lý, gắn kết chặt chẽ giữa công tác thi đua, khen thưởng với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hưởng ứng và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động.
Các tiêu chí thi đua
Các tiêu chí thi đua cụ thể đối với tập thể và cá nhân như sau:
Đối với tập thể: Hưởng ứng và phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả gắn với các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và của Ngành: có kế hoạch, giải pháp sáng tạo, đổi mới, an toàn, linh hoạt, hiệu quả; có đăng ký chỉ tiêu thi đua, đăng ký sáng kiến về xây dựng chính sách, thể chế, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin...; Có chương trình công tác (kế hoạch, nhiệm vụ) của năm được xây dựng, phê duyệt theo quy định; hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không có nhiệm vụ quá hạn của năm, tỷ lệ nhiệm vụ hoàn thành đúng hạn hằng tháng đạt mức trên 90%, trong đó chương trình xây dựng pháp luật và giải ngân đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả; Có kế hoạch thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số được phê duyệt (quy chế, quy trình, thủ tục, trách nhiệm, tiến độ cụ thể), cắt bỏ các thủ tục rườm rà trong giải quyết công việc; phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; mọi dịch vụ công đều có thể được thực hiện trực tuyến cấp độ 3, 4; Thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, quy định văn hóa công sở: không đi muộn về sớm, không uống rượu bia, hút thuốc lá tại nơi làm việc, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh...; Nội bộ đoàn kết; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Đối với cá nhân: Có đăng ký chỉ tiêu thi đua, đăng ký sáng kiến; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoặc đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, giải pháp đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; Tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định văn hóa công sở, phòng, chống dịch bệnh và nội quy của cơ quan, đơn vị; Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia các phong trào thi đua; có đạo đức, lối sống lành mạnh;
Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ 06 tháng, kết thúc năm, báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện; tham mưu biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Khối trưởng, Cụm trưởng các Khối, Cụm thi đua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động thi đua, nhằm thực hiện tốt công việc hằng tháng, hằng quý, năm của cơ quan, đơn vị; đăng ký sáng kiến, các danh hiệu thi đua theo quy định và tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức thực hiện thành công.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành tài nguyên và môi trường với tinh thần “Thi đua ái quốc”, ý chí tự lực, tự cường, yêu ngành, yêu nghề, phát huy những thành quả đã đạt được, hãy nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, thi đua lao động sáng tạo, đặt quyết tâm cao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022./.