Ngày 12/11/2021, Chương trình Xe sạch – Trời xanh: triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí chính thức được khởi động. Chương trình do Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Viện Khoa học & Công nghệ giao thông vận tải (ITST) với sự đồng hành của Trung tâm Sống & Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) trong khuôn khổ dự án “Chung tay vì Không khí sạch” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Nội dung tài liệu thuộc trách nhiệm của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của USAID, Chính phủ Hoa Kỳ hay các tổ chức liên quan.
Tham gia sự kiện khởi động chương trình Xe sạch - Trời Xanh có đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Giao thông vận tải; Lãnh đạo các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; UBND các quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng và đại diện các Sở ngành, quận, huyện, thị xã và cơ quan báo chí truyền hình.
Ô nhiễm không khí (ONKK) là một trong những vấn đề môi trường đang được quan tâm nhất hiện nay, trong đó hoạt động giao thông vận tải là một nguồn gây ONKK chính tại các thành phố lớn. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% lượng CO; 57% lượng NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.[1] Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và tác động trực tiếp tới sức khoẻ của người dân. Một giải pháp cần thiết để thúc đẩy giao thông xanh mang lại bầu không khí sạch là thường xuyên bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ khí thải của xe mô tô, xe gắn máy, đồng thời thay thế xe cũ không còn đảm bảo về an toàn giao thông và nồng độ khí thải theo quy chuẩn.
Từ thực tế đó, ngày 22/07/2021, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND triển khai thực hiện thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố.
Chương trình Xe sạch - Trời Xanh chính thức bắt đầu triển khai tại Hà Nội từ ngày 12 tháng 11 năm 2021, bao gồm các hoạt động chính:
● Đo kiểm khí thải cho khoảng 3.000 – 5.000 xe mô tô, xe gắn máy các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM. Người dân Thủ đô sẽ được kiểm tra khí thải xe máy miễn phí tại đến 08 điểm kiểm định tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hà Đông.
- Đối với xe máy từ 05 năm trở lên (đăng ký trước năm 2017), chủ phương tiện được tặng dầu nhớt, trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được hỗ trợ một phần chi phí bảo dưỡng tối đa không quá 200.000 VNĐ/xe để sửa chữa các bộ phận liên quan đến khí thải. Các phương tiện vẫn được tiếp tục lưu hành sau khi được kiểm tra khí thải.
- Đối với xe máy đăng ký lần đầu trước năm 2002, thuộc 05 hãng xe trên có nhu cầu chuyển đổi sang xe máy mới sẽ được tư vấn, hướng dẫn, nếu đáp ứng các điều kiện của Chương trình sẽ nhận được các mức hỗ trợ từ các hãng xe tối đa lên đến 04 triệu đồng (khoản hỗ trợ tùy theo chính sách khuyến mại của từng hãng xe và giảm giá trực tiếp trên giá xe mới).
Các điểm đo kiểm khí thải và tiếp nhận xe máy cũ, hỗ trợ chuyển đổi xe mới hiện có mặt tại 06 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông.
- Khảo sát ý kiến người dân về các chính sách và giải pháp kiểm soát khí thải xe đang lưu hành.
-
Bên cạnh việc triển khai tại Hà Nội, Chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máyđã được tiến hành tại TP. Hồ Chí Minh và sắp tới là Đà Nẵngtrong khoảng thời gian từ tháng 04/2020 - 06/2022. Hoạt động chính của chương trình là tổ chức kiểm tra khí thải miễn phí, sửa chữa bảo dưỡng miễn phí cho khoảng 18.000 xe máy tại 3 thành phố lớn (tại các cửa hàng đại lý ủy quyền thuộc VAMM) cùng với các hoạt động truyền thông, khảo sát ý kiến chủ phương tiện và tham vấn các bên liên quan. Mục tiêu để đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của phát thải xe máy, đặc biệt là xe máy cũ, đến chất lượng không khí; đồng thời là cơ sở khoa học hỗ trợ việc xây dựng và thực thi các chính sách về giao thông bền vững và bảo vệ môi trường.