Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2021, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia sẽ tập trung vào thực trạng và giải pháp về chất lượng môi trường không khí.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia được thực hiện 5 năm một lần, căn cứ các vấn đề môi trường nổi cộm, bức xúc và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Theo đánh giá của Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), giai đoạn 2016-2020, ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Từ năm 2018 đến nay, chất lượng môi trường không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc có chiều hướng suy giảm, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt tại Hà Nội nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Đây cũng là vấn đề xảy ra đối với các thành phố, đô thị lớn tại các quốc gia đang phát triển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan tổng hợp thông tin, số liệu về chất lượng môi trường không khí và thực trạng quản lý môi trường không khí thời gian qua tại địa phương và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30-6-2021.
Cụ thể, các địa phương phải báo cáo thông tin, số liệu về diễn biến các thông số quan trắc về ô nhiễm không khí (đô thị, nông thôn, làng nghề, khu/cụm công nghiệp...); đánh giá chất lượng không khí xung quanh khu vực đô thị (nội đô, trung tâm), khu vực nông thôn, ngoại ô và các khu vực khác; các điểm nóng, vấn đề nổi cộm liên quan đến ô nhiễm không khí trên địa bàn. Các kết quả quan trắc từ số liệu quan trắc chất lượng không khí định kỳ, trạm tự động, liên tục tại địa phương cần so sánh với giá trị giới hạn theo QCVN 05:2013/BTNMT.
Các nguồn điểm phát thải chính gồm nhà máy sản xuất công nghiệp (nhiệt điện, thép, xi măng, hóa chất...), các lò đốt rác. Các nguồn di động gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đường thủy, hàng không…
Báo cáo phải có sự phân tích, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, bao gồm cả nguyên nhân khách quan từ các yếu tố khí tượng, thời tiết, khí hậu theo mùa, các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới (nếu có)… Các nguyên nhân chủ quan từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát sinh các nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí.
Đồng thời, báo cáo cũng bao gồm thông tin, dữ liệu về công tác quản lý, giải pháp bảo vệ môi trường không khí, thể chế, chính sách, các giải pháp quản lý chất lượng không khí; cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm quản lý chất lượng không khí giữa các cơ quan; hiệu quả của các giải pháp quản lý chất lượng không khí đang được thực hiện; hiện trạng áp dụng các công cụ quản lý chất lượng không khí. Cơ chế phối hợp, chia sẻ, công khai thông tin, dữ liệu chất lượng không khí và vai trò của các bên liên quan tại địa phương; các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm không khí; vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác quản lý chất lượng không khí.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm không khí và tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan lập báo cáo hiện trạng môi trường năm 2021 và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31-12-2021.