Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa tham mưu UBND thành phố ban hành Văn bản số 4996/UBND-ĐT ngày 16/10/2020 về “Thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp thực thuộc thành phố”. Theo đó, từ ngày 01/11/2020, các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị trực thuộc thành phố Hà Nội sẽ có những hành động cụ thể chống rác thải nhựa và "nói không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, qua đó tạo sự lan tỏa sâu rộng. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.
- Giảm thiểu rác thải nhựa là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian qua, công tác này đã được thực hiện ra sao thưa ông?
- Theo thống kê, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh gần 6.000 tấn rác thải, trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 10% (khoảng 60 tấn/ngày). Tác hại của việc sử dụng rác thải nhựa là rất lớn đối với cuộc sống. Bởi đa phần rác thải chỉ được xử lý theo kiểu chôn lấp hoặc bị bỏ và thải ra môi trường, thậm chí đốt... sẽ để lại vô vàn nguy hại cho cuộc sống của người dân. Theo kết quả đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở mức khá cao (chiếm đến 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt). Lượng rác thải nhựa tăng dần theo từng năm, ảnh hưởng rất xấu đến môi trường, thậm chí còn được các chuyên gia môi trường đánh giá là "ô nhiễm trắng" nên cần phải có các biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Vì vậy, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và túi nilon được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về “Phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trong đó, yêu cầu các cơ quan hành chính sự nghiệp, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thành phố không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy trong hoạt động tại cơ quan, tổ chức và sinh hoạt tại gia đình; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy”. Trong kế hoạch này cũng nêu rõ, các nhiệm vụ về phòng chống, giảm thiểu chất thải nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy là nhiệm vụ trọng tâm của UBND thành phố, là nhiệm vụ thường xuyên của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy.
- Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã vào cuộc như thế nào để giảm thiểu rác thải nhựa thưa ông?
- Bước đầu ghi nhận đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện cắt giảm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đã loại bỏ hoàn toàn chai nước nhựa trong các cuộc họp, thay bằng cốc và bình nước thủy tinh; đồng thời, hạn chế việc sử dụng túi nhựa đựng tài liệu, văn bản, giấy tờ… Việc làm này vừa tiết kiệm ngân sách, vừa nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người lao động về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đến nay, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần gần như không còn xuất hiện tại các cơ quan, đơn vị, cũng như các hội nghị, hội thảo... của thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ký kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại một số trường học trên địa bàn thành phố năm học 2019-2020” với 637 trường học tham gia. Nhiều doanh nghiệp cũng có những hành động tích cực, hiệu quả góp sức ngăn chặn rác thải nhựa. Có thể nói, những hành động cụ thể chống rác thải nhựa và "nói không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị... đang lan tỏa sâu rộng trên toàn thành phố.
- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm thiểu rác thải nhựa là vấn đề khó, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng, trước tiên là sự gương mẫu của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước?
- Từ thực tiễn cho thấy, việc chống rác thải nhựa và "nói không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ ban hành cơ chế, chính sách đến định hướng giảm sản xuất vật liệu nhựa, giảm nhập đồ nhựa tái chế. Cùng với đó là tìm vật liệu thay thế, tuyên truyền để nâng cao sự hiểu biết của người dân về rác thải nhựa… Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị trực thuộc thành phố gương mẫu, tích cực đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dụng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa, nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ… UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức và thực hiện các biện pháp lỹ thuật để thu gom chất thải nhựa trên các sông, suối, ao, hồ, kênh mương… trong khu đô thị, dân cư.
- Với trách nhiệm là cơ quan chuyên quản về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tiến hành các hoạt động nào để giảm thiểu chất thải nhựa thưa ông?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND thành phố. Song song với các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa. Chẳng hạn như điều tra, khảo sát thu thập về số liệu hiện trạng sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và nhu cầu sử dụng sản phẩm tái chế thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon tại các chợ dân sinh, các trung tâm thương mại... Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện với môi trường, đặc biệt là doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường. Điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất bao bì dùng từ nhựa; đánh giá tiềm năng và cơ chế hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố định hướng theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra; hướng dẫn và vận động ký cam kết tất cả các cơ sở sản xuất bao bì dùng từ nhựa chuyển đổi sản phẩm bao bì thân thiện môi trường hoặc chuyển đổi mục đích sản xuất. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng thử nghiệm chương trình đào tạo nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, không sử dụng vật liệu bao bì nhựa sử dụng một lần cho các cơ sở thương mại, dịch vụ và sản xuất trên địa bàn thành phố.
Nếu chỉ nhấn mạnh tuyên truyền về chống rác thải nhựa và "nói không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ là không đủ. Do đó, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý chất thải nhựa, chúng tôi sẽ cập nhật cơ chế, chính sách về quản lý chất thải nhựa để tham mưu, báo cáo UBND thành phố sửa đổi Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND thành phố để bảo đảm thống nhất các nội dung thực hiện phù hợp với các quy định hiện hành và tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến rác thải nhựa.