Ngày 21/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị tham vấn các nhà khoa học cho Dự thảo báo cáo“Đánh giá thực hiện mục tiêu về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm, nguyên nhân, mục tiêu giai đoạn 10 năm tới” mà Bộ sẽ trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị có sự tham dự của GS.TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách thuộc Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu của Việt Nam; PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng; TS. Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam; PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn, Viện Khoa học Xã hội; TS. Michael Parson, Cố vấn Chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Phạm Hoàng Hải, Trưởng Ban thư ký, Hội đồng do anh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên tổ soạn thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thực hiện nhiệm vụ được phân công trong Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 85/QĐ-BKHĐT về giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị nghiên cứu chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch 05 năm (2021-2025). Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao triển khai thực hiện nhiệm vụ về “Đánh giá thực hiện mục tiêu về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm, nguyên nhân, mục tiêu giai đoạn 10 năm tới”.
Phát biểu điều hành Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kể từ khi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) được ban hành, đến nay, các nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường luôn được quán triệt và tiếp tục được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc, Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương; tiếp đó được thể chế hóa trong hệ thống văn bản pháp luật và thực tiễn quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tổng kết, đánh giá những nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được đề ra trong Chiến lược, Kế hoạch cho thấy có được những thành tựu đạt được, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, yếu kém với những lý do chủ quan và khách quan.
Bộ trưởng mong muốn, từ nay cho đến khi Dự thảo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ luôn nhận được những đóng góp ý kiến, những phản biện dựa trên những kinh nghiệm, kiến thức của các nhà khoa học. Bộ trưởng mong muốn các nhà khoa học đóng góp trí tuệ của mình để góp phần đưa ra những chính sách mới đồng bộ, nhất quán trong thời gian tới trên tinh thần đổi mới tư duy, sáng tạo. Đồng thời, Bộ trưởng hy vọng rằng những góp ý tham luận dựa trên nền tảng khoa học của các chuyên gia sẽ khẳng định được vấn đề việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường chính là nền tảng quan trọng và hài hòa để cân bằng với việc phát triển kinh tế - xã hội. Những nội dung được trình trong dự thảo sẽ thể hiện được rõ vai trò của mô hình phát triển kinh tế - xã hội nào thì vấn đề môi trường, khai thác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biển đổi khí hậu sẽ vừa là mục tiêu, vừa là động lực định hình cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhận định về sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời đại mới, Bộ trưởng cũng hy vọng sẽ nhận được những xu hướng mới, của ngành công nghệ 4.0 từ các nhà khoa học để từ đó Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng những mô hình kinh tế tuần hoàn trong thời kỳ đổi mới, cũng như trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà khoa học thẳng thắn đưa ra những ý kiến để trong dự thảo báo cáo của Bộ sẽ nhận diện đầy đủ những hạn chế, yếu kém, bất cập, khiếm khuyết trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, từ đó có cơ sở quản lý, phân bổ, sử dụng, tiết kiệm hiệu quả và bền vững nguồn lực tự nhiên theo các nguyên tắc, quy luật thị trường; chủ động giám sát, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phòng chống thiên tai và đáp ứng các cam kết quốc tế; đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; đến năm 2030 cơ bản đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên và môi trường.
Tham luận và trao đổi tại Hội nghị, các nhà khoa học đều nhận định, trong bối cảnh phát triển mới cần quán triệt rõ các quan điểm, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Trong đó, những ý kiến đóng góp thể hiện quan điểm “Tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, là đầu vào cơ bản của hệ thống kinh tế”; “Môi trường phải được duy trì là không gian sống và phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn”; “Biến đổi khí hậu là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho phát triển kinh tế”;“Hoàn thiện thể chế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là yếu tố có tính quyết định”…
Tại Hội nghị, các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, thảo luận tập trung vào những vấn đề như: (i) Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, là nguyên lý để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước trong bối cảnh của biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; (ii) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở cách tiếp cận dựa vào thị trường; chú trọng phát huy vai trò của Nhà nước trong phân bổ, điều tiết nguồn lực tài nguyên thiên nhiên và giải quyết các khiếm khuyết của thị trường; phân định rõ vai trò quản lý với vai trò sử dụng tài nguyên thiên nhiên; chuyển đổi phương thức quản lý môi trường từ bị động sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, cải tạo; (iii) Hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và khoa học và công nghệ là những đột phá chiến lược cần được ưu tiên để tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giám sát và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, trong lĩnh vực môi trường, các nhà khoa học đánh giá cao những thành tựu trong thời gian vừa qua, thể hiện được quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Những hành động quyết liệt của ngành môi trường trong thời gian qua không phải ngăn cản sự phát triển kinh tế, mà là tiền đề cho sự sàng lọc, chủ động trong việc bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới và trong thời gian tới.
Các nhà khoa học cũng đề nghị, bên cạnh vấn đề bảo vệ môi trường cần gắn chặt với bảo tồn thiên nhiên; tăng cường tìm kiếm những nguồn tài nguyên mới, đặc biệt là tài nguyên về năng lượng. Đã đến lúc chúng ta phải hướng đến nền kinh tế không phụ thuộc vào tài nguyên nữa, mà phải xây nền kinh tế với nền tảng tài nguyên quan trọng và phát triển mạnh mẽ là tài nguyên con người, đây là nhân tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cùng các thành viên Tổ soạn thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải trao đổi, tham vấn, cùng làm rõ những vấn đề của các nhà khoa học đưa ra để xây dựng được Dự thảo báo cáo của Bộ trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa mang tính khoa học, vừa đầy đủ những mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
Theo monre.gov.vn 24/6/2019