Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí Thành phố

Email :
Chiều ngày 19/3/2019, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà nội đô tổ chức Hội nghị giao ban báo chí về hiện trạng chất lượng không khí đầu năm 2019 và một số giải pháp cải thiện chất lượng không khí của Thành phố. Dự Hội nghị có Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà; Phó giám đốc Sở TNMT Lê Tuấn Định; lãnh đạo một số Sở ngành, Thành phố có liên quan; phóng viên các cơ quan báo chí của Trung ương và Thành phố Hà Nội.
Thông tin tại Hội nghị về hiện trạng chất lượng không khí của Thành phố đầu năm 2019, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết,chất lượng không khí 3 tháng đầu năm vẫn ở mức trung bình là chủ yếu, tuy nhiên nguyên nhân chính là do điều kiện khí tượng bất lợi. đánh giá tổng hợp diễn biến CLKK trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, bụi PM2.5 là chỉ tiêu có ngày vượt chuẩn cao nhất và thường xảy ra tại các trạm quan trắc CLKK giao thông. Từ đó cho thất sự khác biệt rõ nét về CLKK khi quan trắc tại khu dân cư và khu vực có mật độ giao thông cao.                                                                  Phó giám đốc Sở TNMT Lê Tuấn Định thông tin tại Hội nghị
Nồng độ các chất ô nhiễm thường có xu hướng tăng cao vào mùa khô, cải thiện vào mùa mưa và các dịp Lễ, Tết. Đồng thời từ kết quả quan trắc cũng cho thấy ngoài chịu ảnh hưởng của các nguồn phát thải, CLKK còn chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi điều kiện khí tượng.
“Qua theo dõi diễn biến từ năm 2017 đến đầu năm 2019 cho thấy, CLKK vẫn chủ yếu duy trì ở mức “Trung bình”. CLKK năm 2018 có cải thiện hơn so với năm 2017. Tuy nhiên, CLKK 3 tháng đầu năm 2019 so với các năm trước có xu hướng giảm xuống”-ông Mai Trọng Thái cho biết.
Từ kết quả đo được và tính toán chỉ số CLKK 3 tháng đầu năm 2019 cho thấy số ngày AQI đạt mức “tốt” chủ yếu tập trung vào những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi và tuần nghỉ Tết Nguyên đán. Số AQI chạm mức kém và xấu chủ yếu tập trung vào các tuần cuối năm và những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi. Trong giai đoạn này, số ngày CLKK ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ khá cao.
Cụ thể số ngày CLKK ở mức tốt tại hai trạm cố định Trung Yên 3 (nền đô thị) và Minh Khai (giao thông) có tỉ lệ khá thấp chỉ chiếm 8,1%; mức kém là 24,3% và 29,7% mức xấu đều chiếm 12,2%.
Nguyên nhân khiến CLKK xấu đi tại 2 thời điểm trên theo ông Mai Trọng Thái là do điều kiện khí tượng bất lợi. Trong 3 tháng đầu năm , TP vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao. Hoặc có hôm trời có thể hửng nắng, ngày có nhiệt độ khá cao nhưng về đêm nhiệt độ giảm mạnh.
“Theo chúng tôi đánh giá, thời điểm đó có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, tạo ra một lớp sương mù bao phủ toàn thành phố ở độ cao khá thấp. Sương mùa xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữa lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến chất lượng không khí trong thời gian gần đây xấu đi rõ rệt” – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết.
Ngoài ra, những ngày cuối tháng 1/2019 cũng là thời điểm cuối năm âm lịch, nhiều phương tiện đi lại, tình trạng đốt vàng mã và đốt rác phổ biến tại nhiều điểm, khu vực ngoại thành… Chính điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với khí thải từ giao thông, xây dựng, nguồn thải từ khu cụm công nghiệp, làng nghề… đã làm bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm mà khó có thể phát thải, pha loãng, khiến CLKK trong giai đoạn này kém đi.
Về một số giải pháp đã triển khai nhằm cải thiện chất lượng không khí, Phó giám đốc Sở Lê Tuấn Định cho biết, trong thời gian qua Thành phố đã triển khai kế hoạch trồng mới 1 triệu cây xanh, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông; đẩy nhanh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng và các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại…
Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030; Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại…
Trước mắt, Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền tới các địa phương và người dân hạn chế đốt rác, rơm rạ; khuyến khích người dân tham gia các phương tiện công cộng; khuyến khích sử dụng nguyên liệu sạch; chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường thanh kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường...