Hội nghị giao ban trực tuyến kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về tăng cường công tác BVMT
Sáng 24/9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III - 2018 bàn về hai nội dung quan trọng.
Chủ trì hội nghị từ điểm cầu chính đặt tại trụ sở Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.
Dự hội nghị có đại biểu một số cơ quan trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, trưởng các ban Đảng Thành ủy; Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố; Thành ủy viên, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông; Giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành. Tham gia hội nghị tại các điểm cầu địa phương có bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn các quận, huyện, thị xã.
Hội nghị thảo luận 2 nội dung gồm: Kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và kết quả khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP HN Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị giao ban sáng 24-9
Nhiều giải pháp được triển khai có hiệu quả
Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Trọng Đông - Thành ủy viên, giám đốc Sở TNMT HN cho biết, sau một năm Nghị quyết số 11 - NQ/TU được ban hành đến nay đã có 38 sở, ngành, quận, huyện, thị xã lập kế hoạch chi tiết thực hiện. Việc xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng dần hoàn thiện. Đặc biệt, năng lực quản lý nhà nước, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng đã được nâng cao.
Không chỉ chú trọng nâng cao công tác xây dựng thể chế, chính sách. Thành phố còn tập trung thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn để cải thiện môi trường. Hiện, TP đã hoàn thành nghiên cứu và đề xuất được mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn từ 34 - 37 trạm quan trắc. Đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (gồm 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến). Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí được công bố công khai trên website của UBND TP và của Sở. Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục nước thải và Trạm quan trắc môi trường di động, tự động không khí tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Đối với xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề và nông thôn, UBND TP đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Đáng chú ý, triển khai thực hiện Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, đến nay toàn TP đã trồng được gần 342.000 cây xanh. Tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã trồng được hơn 844.000 cây xanh, đạt 84,4% mục tiêu Chương trình.
Trong khuôn khổ Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”, TP cũng đã triển khai 6 nhóm giải pháp với 45 nhiệm vụ được thực hiện đồng bộ theo 3 giai đoạn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Tập trung phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; quản lý thống nhất việc sửa chữa, cải tạo đường sá và các hệ thống công trình ngầm trên địa bàn TP; áp dụng các công nghệ mới trong đầu tư xây dựng để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thiểu ô nhiễm; xây trạm trung chuyển, tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền;..
Bên cạnh đó, TP đã xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh trên địa bàn. Đối với 43 cụm công nghiệp trên địa bàn TP đã đi vào hoạt động, có 25 CCN đã và đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải và 18 CCN chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải. TP đã giao các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải và quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn TP theo phương thức xã hội hóa. Thành ủy viên, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông trình bày báo cáo
01 năm thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP
Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về Môi trường
Công tác thanh, kiểm tra được tăng cường, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thanh kiểm tra 468 cơ sở, xử lý hành chính vi phạm 21 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở TNMT đã tiếp tục thành lập 4 đoàn kiểm tra tại 22 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP. Đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra và xác định các “điểm đen" về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã đã có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Từ nay đến cuối năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phân loại, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm tại các điểm đen để đề xuất phương án xử lý, khắc phục ô nhiễm.
Tiếp tục triển khai 03 nhóm giải pháp chung, 04 nhóm giải pháp cụ thể
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và một số tồn tại hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, Thành phố đề ra 03 nhóm giải pháp chung, 04 nhóm giải pháp cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia của nhân dân trong việc hạn chế, tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong; vận động nhân dân thu gom rác thải, vệ sinh môi trường hàng tuần gắn với tham gia phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát về môi trường; xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải làm rơi vãi; đề xuất tăng mức xử phạt nặng đối với chủ cơ sở, công trình gây ô nhiễm môi trường; hoàn thiện việc quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu từ 1-2 điểm tập kết, trung chuyển rác thải, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đổ đất, phế thải không đúng nơi quy định…
Anh Minh