Triển khai 12 nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ môi trường năm 2018
Tại buổi giao ban báo chí chiều 13/3 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức thông tin một số kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp năm 2018, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, năm 2018, Sở tập trung triển khai đồng bộ 12 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó:
1: Tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 03/7/2017 về việc triển khai Nghị quyết 11-NQ/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo và Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 01/6/2017 khắc phục các tồn tại, hạn chế, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường Thành phố.
2. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT và ứng phó với BĐKH; Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể, các tổ chức trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng và đa dạng hình thức hiên tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, tập trung vào tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen về đốt rơm rạ theo lộ trình: Năm 2018: Phường xã không đốt rơm rạ, Năm 2019: Quận, huyện không đốt rơm rạ, Năm 2020: Thành phố không đốt rơm rạ. Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tuyên truyền đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành thay thế sử dụng bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến đạt tiêu chuẩn với nhiên liệu thân thiện môi trường, phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản xoá bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong và than tổ ong trên địa bàn thành phố.
3. Hoàn thành Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017-2020 và trình UBND Thành phố phê duyệt vào quý IV năm 2018.
4. Triển khai xây dựng Đề án xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn Thành phố năm 2018 và hoàn thành, trình UBND Thành phố phê duyệt năm 2019.
5. Căn cứ, kết quả đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, triển khai các nội dung đã được phê duyệt tại Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đặc biệt là các nhiệm vụ cấp bách giai đoạn 2018-2020, tập trung vào bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà nội phục vụ phân loại và quản lý; Đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ công nghệ xử lý môi trường làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; Đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề nhuộm, thuộc da; Đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề chăn nuôi, giết mổ gia súc; Triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát ô nhiễm làng nghề trên địa bàn thành phố; Xây dựng hệ thống các điểm thu gom, lưu trữ rác thải, chất thải, tại các làng nghề để vận chuyển tới các điểm xử lý trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kiểm tra, giám sát hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường làng nghề Hà Nội.
6. Tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải trong phạm vi toàn thành phố để có các giải pháp quản lý phù hợp.
7. Tiếp tục duy trì và nhân rộng kết quả thử nghiệm một số phương án xử lý giảm thiểu ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redo xy 3C.
Quang cảnh Hội nghị giao ban báo chí về bảo vệ môi trường chiều 13/3/2018
8. Tiến hành triển khai nạo vét cải tạo Hồ Tây nhằm giảm lượng bùn thải, tăng lượng Oxi cho hệ sinh thái dưới nước.
9. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, thiết lập mô hình phân bổ ô nhiễm và dự đoán chất lượng không khí để kịp thời có các giải pháp cải thiện môi trường và công bố rộng rãi thông tin về chất lượng môi trường cho người dân.
10. Triển khai đồng bộ chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn Thành phố. Quản lý chặt chẽ việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trong các vườn hoa, công viên,… nhằm tăng đối lưu không khí giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
11. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường khu, cụm công nghiệp và làng nghề; Quản lý chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nước sông, hồ và chất thải rắn trên địa bàn thành phố.
12. Tăng cường, mở rộng hợp tác với các nước phát triển trên thế giới trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải. Kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế về tài chính và kỹ thuật để triển khai xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, ứng phó với BĐKH cho Thành phố.
Về một số giải pháp thực hiện các nhiệm trọng tâm trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ban Tuyên Giáo Thành Uỷ định hướng và chỉ đạo các cấp tích cực tuyên truyền và triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường theo các nội dung và chức năng nhiệm của từng cấp và ngành cụ thể; Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH vào tài liệu tuyên truyền nội bộ để tăng cường nhận thức, trách nhiệm và hợp tác chặt chẽ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ; Đề nghị các cơ quan báo trí, truyền hình Trung ương và Hà Nội tích cực phối hợp truyên truyền rộng rãi các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân thủ đô, kêu gọi sự hợp tác và tham gia của các ngành, các cấp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu và các nhiệm vụ đã đề ra./.
Anh Minh