Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội đề xuất 04 nhóm giải pháp cải thiện chất lượng môi trường Thành phố
Sáng ngày 25/10/2017, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà nội đô tổ chức Hội nghị thông tin về một số vấn đề thuộc lĩnh vực công tác khoa giáo: Bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; chính sách dân số và phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn Thành phố.
Thông tin tới Hội nghị về thực trạng và một số giải pháp cải thiện môi trường Thành phố Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: Hà Nội có mạng lưới sông lớn nhất Đồng bằng Bắc bộ, nhiều sông hồ đang trong tình trạng ô nhiễm nặng, đặc biệt là hệ thống sông, hồ trong nội thành. Các hồ bị ô nhiễm do nước thải từ các hoạt động dân sinh chưa được tách và xử lý riêng trước khi đổ vào. Nước hồ chuyển màu xanh đen, bốc mùi hôi thối, gây mất cảnh quan đô thị và ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng động…Bên cạnh đó nước thải tại các khu công nghiệp, làng nghề xả trực tiếp ra các hồ không qua xử lý cũng là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường nước.
Về chất lượng không khí: Chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, đường giao thông, làng nghề và công nghiệp có xu hướng được cải thiện dần theo thời gian.Tại các trục đường giao thông và các khu vực xây dựng: đang bị ô nhiễm nặng về bụi và ben zen, tiếng ồn; Tại các làng nghề: làng nghề cơ khí ô nhiễm bụi , làng nghề mây tre đan, chế biến gỗ ô nhiễm benzen. Tại các Khu công nghiệp: một số chỉ tiêu ở một số thời điểm vượt nhẹ. Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường HN Mai Trọng Thái thông tin tại Hội nghị
Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất 04 nhóm giải pháp cải thiện chất lượng môi trường Thành phố:
Nhóm 1: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Đổi mới công tác tuyên truyền; Xây dựng các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa nội dung, hoạt động BVMT vào tài liệu sinh hoạt nội bộ của các tổ chức CT-XH, các trang web của Sở, Thành phố…; Công bố rộng rãi chất lượng môi trường đến cộng đồng thông qua các kênh truyền thông trung ương và địa phương; Huy động sự tham gia của các hệ thống chính trị, cộng đồng trong các sự kiện thường niên, các mô hình bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; Định kỳ đánh giá, kịp thời khen thưởng các cơ quan, đơn vị, gia đình, làng và khu phố có thành tích suất xắc trong công tác BVMT.
Nhóm 2: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách: Xây dựng và hoàn chỉnh các quy định cụ thể về BVMT trên địa bàn thành phố cho từng lĩnh vực. Các quy định về quản lý chất thải rắn và kiểm soát ô nhiễm phù hợp với Luật BVMT; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BVMT; Nghiên cứu xây dựng và ban hành phí BVMT đối với các hoạt động phá dỡ, xây dựng các công trình nhà ở, văn phòng… của cá nhân, tổ chức; Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, xã hội hóa để đảm bảo có đủ nguồn lực cho công tác BVMT; Kiện toàn hệ thống cán bộ chuyên trách môi trường ở các cấp; Huy động nguồn vốn cho công tác đầu tư, quản lý và thu gom rác thải; Khuyến khích các cơ sở sản xuất, các do anh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề phù hợp với quy mô và năng lực sản xuất của các hộ gia đình…
Nhóm 3: Kiểm soát ô nhiễm: Tăng cường và nâng cao công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát về BVMT, xử lý nghiêm khắc và triệt để các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa cơ quan quản lý môi trường với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường trong đấu tranh và phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật về BVMT; Tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề và nông thôn theo Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020, định hướng 2030 trên địa bàn TP.
Nhóm 4: Xử lý chất thải, cải thiện và phục hồi môi trường:
Đối với chất thải rắn:Tập trung nguồn lực triển khai các dự án xử lý chất thải rắn cấp thành phố và cấp huyện; Tăng cường phân loại rác tại nguồn; Áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến nhằm giảm thiểu tỷ lệ chất thải phải chôn lấp; Kiểm soát chặt chẽ công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại đặc biệt từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế nhằm ngăn ngừa ô nhiễm
Đối với môi trường nước: Xử lý hiệu quả các hồ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố; Nghiên cứu và xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, sông Nhuệ - Đáy;Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư các dự án cấp nước sạch tại các khu vực dân cư nông thôn; Tăng cường công tác kiểm soát các hoạt động khai thác nước dưới đất; điều tra, đánh giá và đề xuất khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, triển khai các công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Tiếp tục trám lấp các giếng khai thác nước dưới đất không sử dụng, không phù hợp với quy hoạch
Đối với môi trường không khí: Lắp đặt và hoàn thiện mạng lưới quan trắc chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội. Dự kiến lắp đặt thêm 70 trạm quan trắc. Quản lý, xử lý dữ liệu để xác định các nguồn thải và đề xuất các giải pháp xử lý. Cập nhật thông tin về chất lượng môi trường không khí hàng ngày; Kiểm kê nguồn thải để xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí và thải lượng khí thải phát sinh để xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng chất lượng không khí; Tích cực triển khai việc xây dựng quy định và lộ trình loại bỏ việc sản xuất, sử dụng than tổ ong;Triển khai đồng bộ chương trình trồng 1 triệu cây xanh cho Thành phố Hà Nội…
Anh Minh