Triển khai đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Chiều ngày 19/9/2017, tại Thành ủy Hà nội đô diễn ra Hội nghị thông tin báo chí Trung ương và Hà Nội về kế hoạch triển khai Đề án Bảo vệ Môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đồng chí Trần Xuân Hà – Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị, đồng chí Lê Tuấn Định – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lãnh đạo các phòng ban, đơn vị của Sở có liên quan cùng toàn thể các phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội cùng tham dự Hội nghị.
Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Lê Tuấn Định thông tin về
Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề HN tại buổi giao ban báo chí chiều 19-9-2017.
Thông tin tới các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội về kế hoạch triển khai Đề án Bảo vệ Môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết: Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề. Trong đó, có gần 300 làng nghề đã đăng ký và được công nhận. Hoạt động sản xuất của các làng nghề trên địa bàn đang thu hút gần 1 triệu lao động tham gia, trong đó có hơn 700.000 lao động thường xuyên.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của các làng nghề cũng gây ô nhiễm môi trường ở mức cao. Số liệu quan trắc của các cơ quan bảo vệ môi trường cho biết, từ năm 2007, không khí tại các làng nghề có nồng độ bụi vượt 1,4 - 6,7 lần giới hạn. Các làng nghề cơ khí có nồng độ các kim loại nặng vượt giới hạn, nồng độ nhiều chất hữu cơ độc rất cao. Các làng nghề hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp, hệ thống xử lý nước thải tập trung hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động.
Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà phát biểu kết luận
Để bảo vệ môi trường làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội đô tham mưu Thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng 2030. Thành phố sẽ nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề phù hợp, bảo đảm các làng nghề đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa theo mô hình BO, BOO, BOT, PPP, FDI; đồng thời quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất đối với các ngành nghề gây ô nhiễm không còn phù hợp…
Quá trình triển khai thực hiện Đề án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn từ 2017 - 2020 và từ 2020 -2030. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề; đánh giá phân loại làng nghề; nghiên cứu tính khả thi và xây dựng các mô hình xã hội hóa và mô hình quản trị cơ sở xử lý chất thải, xử lý ô nhiêm môi trường làng nghề. Tiếp đó, sẽ đầu tư, xây dựng và vận hành các quy trình công nghệ xử lý môi trường các làng nghề, triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động và xây dựng hệ thống các điểm thu gom, lưu trữ rác thải, chất thải tại các làng nghề để vận chuyển đến địa điểm xử lý rác thải của Thành phố.Định hướng từ năm 2020 đến năm 2030, Thành phố sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề để triển khai đồng bộ, hiệu quả và bền vững.Bên cạnh đó, việc cải tạo, phục hồi môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải và chất thải rắn theo mô hình hợp tác công, tư sẽ được triển khai trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030.
Đồng chí Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng, lắp đặt toàn bộ hệ thống các trạm quan trắc hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát mức độ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thành phố. Hiện Thành phố đang có 10 trạm quan trắc đang vận hành ổn định, sắp tới sẽ lắp đặt thêm 70 trạm, trong đó sẽ quan trắc, kiểm soát cả mức độ ô nhiễm làng nghề.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền đầy đủ các nội dung về triển khai đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng 2030 mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cung cấp tại Hội nghị, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường làng nghề. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố để kịp thời cập nhật các thông tin, kế hoạch cũng như lộ trình để tuyên truyền tới người dân Thủ đô, đồng hành cùng với Thành phố và Sở Tài nguyên Môi trường triển khai đề án Bảo vệ môi trường làng nghề đến 2020, định hướng 2030 đạt hiệu quả cao nhất./.
Anh Minh