Bộ trưởng Trần Hồng Hà chào mừng Ngài Jochen Flasbarth cùng các đồng nghiệp tại Liên bang Đức và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đến thăm và làm việc tại Bộ TN&MT.
Đánh giá về hợp tác với Chính phủ Đức trong thời gian qua, Bộ trưởng cho rằng, Chính phủ Đức đã luôn là một trong những đối tác có hoạt động hợp tác thường xuyên và sôi động nhất của Bộ TN&MT trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của Chính phủ Đức đối với Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng trong việc tham gia và triển khai các kết quả của COP26.
Theo Bộ trưởng, với tinh thần triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan và nhiều văn bản quan trọng khác nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26.
Cùng với đó, ngay đầu tháng 9 vừa qua, Bộ đã chủ trì tổ chức Cuộc họp chuẩn bị Hội nghị đối thoại giữa Bộ TN&MT và các đối tác quốc tế và thời gian tới, sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang triển khai rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam để gửi UNFCCC trước COP27. Nội dung NDC năm 2022, sẽ bám sát các nội dung trong bản NDC cập nhật năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; tính toán cụ thể các cam kết của Việt Nam đến 2030, trên cơ sở các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cũng như các nước đang phát triển khác, việc thực hiện các cam kết tại COP 26, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và đây cũng là những nội dung mà Chính phủ Việt Nam muốn đề nghị các Đối tác phát triển, các Tổ chức quốc tế quan tâm hợp tác, hỗ trợ về nguồn vốn, công nghệ và nguồn nhân lực. Vì vậy, nhân dịp này, Bộ trưởng mong muốn và đề xuất Chính phủ Đức hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, trong đó, có đào tạo nhân lực bị ảnh hưởng do quá trình chuyển đổi năng lượng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, hỗ trợ Việt Nam triển khai chuyển đổi năng lượng công bằng phù hợp với điều kiện của Việt Nam và dựa trên thế mạnh của Đức về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ năng lượng tái tạo, đảm bảo phụ tải nền khi chuyển dần từ nhiệt điện than sang năng lượng gió, mặt trời; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ”, nhất là trong chuyển đổi năng lượng; phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng cũng đề nghị, Ngài Quốc vụ khanh, với tư cách là một cán bộ cao cấp làm trong ngành Môi trường của Đức quan tâm thúc đẩy hợp tác về môi trường giữa Việt Nam và CHLB Đức, nhất là về bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái; học hỏi kinh nghiệm của Đức trong phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý và xử lý chất thải theo mô hình tuần hoàn.
Cảm ơn Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dành thời gian tiếp đón, ông Jochen Flasbarth, Quốc Vụ khanh tại Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức cho biết, sẽ chuyển tình cảm cũng như mong muốn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tới Chính phủ Đức để đẩy mạnh hợp tác, tăng cường sự phối hợp giữa hai bên trong các lĩnh vực TN&MT trong thời gian tới.
Trước những trao đổi của Bộ trưởng, ông Jochen Flasbarth khẳng định sẵn sàng trao đổi những hiểu biết, kinh nghiệm quản lý và những bài học trong bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu của Cộng hòa Liên bang Đức.
Ông Jochen Flasbarth đề xuất hai Bộ cần thảo luận và xây dựng chương trình hợp tác trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ngành TN&MT để cùng hiện thực hóa những mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững.