Xây dựng danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khi nhà kính

Email :
Ngày 25/8, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính, thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Do đó, trong dự thảo Quyết định có đề cập đến các tiêu chí xác định các cơ sở, lĩnh vực cần kiểm kê khí nhà kính. Theo quy định, hiện nay có một số Bộ thực hiện quản lý về lĩnh vực này gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đại diện các Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp để thống nhất các nội dung trong dự thảo Quyết định này.

Trình bày cụ thể về cơ sở xác định các lĩnh vực và cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn (Cục Biến đổi khí hậu) cho biết, các lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính sẽ căn cứ trên lĩnh vực do kiểm kê quốc gia khí nhà kính yêu cầu. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, việc kiểm kê quốc gia khí nhà kính hiện có thay đổi cơ bản liên quan đến cách thức thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Hiện nay, việc kiểm kê quốc gia khí nhà kính sẽ do các Bộ chuyên ngành thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng hợp để xây dựng báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính.

Các lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính theo quy định hiện nay gồm: năng lượng; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất; chất thải quá trình công nghiệp… Những lĩnh vực này đã được Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ và đưa vào danh mục các lĩnh vực phục vụ cho hoạt động kiểm kê quốc gia khí nhà kính. Đồng thời, những lĩnh vực này cũng được chi tiết hơn trong các phục lục, mẫu báo cáo kiểm kê khí nhà kính trong Nghị định đang được xây dựng.

Đối với đề xuất danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, ông Lương Quang Huy cho biết, danh mục cơ sở được xây dựng phải đảm bảo tính khả thi để có thể thực hiện được ở các cơ sở. Đồng thời, không được tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, phải phù hợp với điều kiện kinh tế và pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, phải tạo được sự thống nhất, minh bạch, công bằng giữa các lĩnh vực, cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau; phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước và các cam kết của điều ước quốc tế mà nước ta phải tuân thủ…

Trên cơ sở đó, dự thảo Quyết định xác định danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính dự kiến là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc các đối tượng sau: các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; Các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; Các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Từ tiêu chí đó, qua rà soát cho thấy tổng số các cơ sở phát thải phải kiểm kê khí nhà kính dự kiến là khoảng hơn 2.200 cơ sở. Trong đó, Bộ Công Thương khoảng 1.800 cơ sở; Bộ Giao thông vận tải khoảng 90 cơ sở; Bộ Xây dựng khoảng 250 cơ sở; Bộ Tài nguyên và Môi trường khoảng 80 cơ sở. Tổng mức phát thải khí nhà kính dự kiến của các cơ sở nêu trên chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo do Cục Biến đổi khí hậu trình bày. Để hoàn thiện thêm dự thảo Quyết định, các đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét đề xuất đây là văn bản cá biệt thay vì văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, phân tích rõ thêm tiêu chí xác định các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt; sắp xếp lại thứ tự các biểu mẫu, bảng biểu trong dự thảo Quyết định cho phù hợp, thống nhất …

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Đồng thời, yêu cầu Cục Biến đổi khí hậu sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến này để hoàn thiện dự thảo Quyết định và Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chi tiết, đầy đủ, thuyết phục; nghiên cứu đưa thêm chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt về phát thải khí nhà kính.

 Thanh Tùng