Năm 2021, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) chọn chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới là: “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta”. Chủ đề này nhằm tôn vinh trọng tâm của WMO trong việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống trái đất. Với tư cách là cơ quan chuyên trách về khí hậu, thời tiết và nước của Liên hợp quốc, WMO cố gắng hỗ trợ việc hiểu được mối liên hệ chặt chẽ giữa đại dương, khí hậu và thời tiết. Điều này giúp chúng ta hiểu thế giới mà chúng ta đang sống, bao gồm cả những tác động của biến đổi khí hậu và giúp các thành viên tăng cường khả năng giữ an toàn tính mạng và tài sản, giảm thiểu rủi ro thiên tai và duy trì các nền kinh tế.
Có 6 vấn đề chính được đề cập đến trong chủ đề của ngày Khí tượng thế giới năm nay gồm: Đại dương tác động thế nào đến Khí hâụ và Thời tiết; Đảm bảo an toàn trên biển và đất liền; Quan trắc đại dương; Dự báo thay đổi khí hậu; Đại dương và biến đổi khí hậu; Mục tiêu phát triển bền vững và các sáng kiến khác.
Với 28 tỉnh, thành có biển và hơn 3200km bờ biển, thời tiết và khí hậu Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của biển. Nói rõ hơn về điều này, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, với đường bờ biển dài và hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới gió mùa với các đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và mưa theo mùa; hàng năm có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1.500 đến 2.000mm. Độ ẩm không khí trên dưới 80%.
Do hưởng gió mùa và sự phức tạp về địa hình nên Việt Nam thường gặp bất lợi về thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán. Miền Trung Việt Nam địa hình hẹp ngang, bên trong là dãy Trường Sơn chạy theo hướng Bắc Nam tạo thành nơi hứng các cơn mưa từ biển kéo vào khiến lượng mưa ở đây tương đối lớn, kết hợp địa hình độ dốc lớn từ Tây sang Đông thường dẫn đến lũ lớn, cường độ mạnh, nhanh và rất khó dự báo. Dãy Trường Sơn cũng là nơi chắn các đợt mưa từ Vịnh Bengan tạo ra những đợt không khí khô nóng. Bờ biển dài, lại là một trong những tâm bão lớn trên thế giới, thường là những cơn bão có cường độ tương đối mạnh vì đi thẳng từ biển vào không có gì che chắn, gây thiệt hại lớn cho khu vực chịu ảnh hưởng của bão.
Mặt khác, với một mạng lưới hơn 2000 con sông, suối đã và đang chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết khí hậu. Theo đặc điểm khí hậu, chế độ nước của sông ngòi cũng chia thành mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ chiếm tới 70-80% lượng nước cả năm và thường gây ra lũ lụt.
“Với những đặc điểm địa hình vô cùng phức tạp đối với công tác dự báo KTTV nhưng hệ thống KTTV trên toàn quốc đã và đang từng phút, từng giờ, từng ngày quan trắc, đo đạc, dự báo, cảnh báo KTTV phát báo, lưu trữ các yếu tố KTTV và môi trường phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, góp phần phát triển bền vững đối với các ngành kinh tế xã hội của đất nước. Cung cấp số liệu KTTV cho các nước trong khu vực và trên thế giới theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với Tổ chức Khí tượng Thế giới, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc trên biên giới, hải đảo và biển Đông”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Đi trước một bước
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, cùng với vị trí địa lý thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, ngành KTTV xác định phải “đi trước một bước”, “Đi nhanh hơn-tích cực hơn”.
Theo Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, ngành KTTV đang tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về KTTV nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực KTTV; cảnh báo, dự báo sát, kịp thời mọi diễn biến các hiện tượng thời tiết, thủy văn, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng thời, chủ động xây dựng các phương pháp dự báo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ dự báo, tiến bộ kỹ thuật vào khai thác số liệu điều tra cơ bản và nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng các phương án tổ chức quan trắc đo đạc và thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thu thập đầy đủ, chính xác, điện báo kịp thời số liệu khí tượng thủy văn và môi trường trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, ngành tăng cường năng lực dự báo phục vụ KTTV, nhất là dự báo bão, lũ; từng bước nâng cao chất lượng các bản tin dự báo KTTV, đa dạng hóa các sản phẩm dự báo để phục vụ tốt đời sống xã hội, phát triển kinh tế đất nước. Đảm bảo duy trì hoạt động cho mạng máy chủ và các hệ thống thông tin chuyên ngành KTTV thông suốt trong mọi tình huống; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin chuyên ngành; xây dựng hệ thống quản lý, điều hành, xử lý số liệu KTTV hiện đại phục vụ công tác dự báo; quy hoạch lại các hệ thống truyền dẫn, luồng dữ liệu của các đơn vị trực thuộc nhằm khắc phục các tồn tại về hiện trạng hệ thống thông tin, tiết kiệm kinh phí và nhân lực duy trì hệ thống; thiết lập kết nối mạng với Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm tăng cường trao đổi dữ liệu, tiếp thu công nghệ và ứng dụng.
Ngoài ra, ngành KTTV cũng đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình hiện đại hóa ngành KTTV; tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước và các tổ chức thế giới và khu vực, mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Italia, Mỹ, cơ quan Khí tượng Anh, Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa Châu Âu,... nhằm khai thác và phát huy tiềm năng công nghệ, kỹ thuật hiện có, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng có hiệu quả vào nghiệp vụ dự báo và quan trắc KTTV. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm và cách phòng tránh như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lớn, lũ quét, dông, tố lốc nhằm nâng cao hiểu biết của người dân để chủ động phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông cho ngành KTTV, mới đây Tổng cục KTTVđã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội. Hai bên thống nhất phối hợp xây dựng mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại. Đề xuất các giải pháp tiên tiến, công nghệ quan trắc KTTV ứng dụng CN 4.0, để tạo bứt phá trong phát triển ngành KTTV phù hợp với Chính phủ số trong ngành tài nguyên và môi trường. Nghiên cứu phát triển trang thiết bị đo ứng dụng CN 4.0; tư vấn, phối hợp tăng cường mạng lưới quan trắc tại các khu vực vùng núi, hải đảo, biên giới, trên tàu thuyền; nghiên cứu phát triển thiết bị quan trắc khí tượng trên cao và ra đa thời tiết.../.