Tăng mật độ trạm quan trắc, nâng cấp hệ thống truyền tin, tối ưu hóa hệ thống dữ liệu, mô hình… là những điểm nhấn trong chiến lược đầu tư của ngành khí tượng thủy văn trong thập kỷ tới.
* Tăng mật độ trạm quan trắc
Vai trò của ngành khí tượng thủy văn (KTTV) ở Việt Nam đã được ghi nhận qua các đóng góp đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Bởi vậy, ngành KTTV luôn là một trong những ngành được Chính phủ, Bộ TN&MT quan tâm, ưu tiên nguồn lực để phát triển.
Ông Nguyễn Quang Hà, Trưởng Ban Quản lý các dự án KTTV (Tổng cục KTTV) cho biết, thời gian tới (giai đoạn 2020 - 2030), ngành chú trọng tăng cường mật độ trạm quan trắc bề mặt và tự động; nâng cao năng lực hệ thống công nghệ thông tin và truyền tin.
Theo ông Hà, hiện nay, mạng lưới quan trắc trên bề mặt có 200 trạm khí tượng; mạng lưới quan trắc tự động với 10 trạm ra đa thời tiết, 6 trạm vô tuyến thám không, 8 trạm đo gió trên cao... Giai đoạn sắp tới, ngành KTTV ưu tiên tăng cường mật độ trạm quan trắc KTTV tự động bề mặt khu vực Tây Bắc, Việt Bắc; Trạm quan trắc hải văn tự động và Radar biển; Radar băng sóng X cho các hồ thủy điện lớn; Radar băng sóng C còn thiếu theo quy hoạch;
Ngành KTTV cũng tập trung quy hoạch và tối ưu hóa Trung tâm dữ liệu, hoàn thiện hệ thống quản trị dữ liệu tập trung; nâng cấp hệ thống tính toán hiệu năng cao; tăng cường ảo hóa hệ thống công nghệ thông tin tại Data Center; đầu tư hệ thống quản trị và giám sát hỗ trợ xử lý sự cố tức thời (24/7).
Đặc biệt, để phục vụ công tác phòng chống thiên tai, ngành KTTV định hướng hiện đại hóa các phần mềm, mô hình dự báo lũ, lũ quét, sạt lở đất trên cả nước; tối ưu mô hình hồ chứa bao gồm tích hợp quy trình vận hành liên hồ; tích hợp các mô hình vào hệ thống hỗ trợ dự báo thủy văn; thí điểm dự báo lũ dựa vào tác động; cảnh báo ngập lụt và ô nhiễm cho các đô thị lớn và khu vực đông dân cư…
Với những định hướng cụ thể, Tổng cục KTTV đề xuất một số dự án trọng điểm trong giai đoạn 2020 - 2030 như: Tăng cường năng lực dự báo lũ và cảnh báo sớm cho các lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Mã; tăng cường năng lực quan trắc khí tượng trên cao và mạng lưới khí tượng nông nghiệp phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam; hiện đại hóa công nghệ quan trắc và thu thập, xử lý số liệu phục vụ dự báo cho khu vực Việt Bắc...
* Cần xác định “nhu cầu đầu tư”
Để hiện thực hóa những định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2030, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, ngành KTTV phải tranh thủ và mở rộng được các đối tác phát triển, hỗ trợ về mặt công nghệ, giải pháp kỹ thuật, nâng cao năng lực và hỗ trợ tài chính. Quan trọng hơn hết, ngành KTTV cần có một kế hoạch tổng thể, xác định được lộ trình phát triển rõ ràng trong giai đoạn tới, cần những nguồn lực nào, ai có thể tham gia hỗ trợ được và cơ chế thế nào. Từ đó, các nhà đầu tư, các đối tác phát triển và cả những người sử dụng sản phẩm KTTV có cái nhìn rõ ràng và đưa ra kế hoạch hỗ trợ, song hành phát triển cùng ngành.
“Cần xác định được nhu cầu đầu tư cụ thể theo từng giai đoạn từ nay tới 2030 và xa hơn nữa nhằm phát triển ngành KTTV phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước. Cùng với đó, xác định rõ vai trò của các đối tác phát triển trong những mục tiêu, chiến lược phát triển của ngành để tối ưu nguồn lực, tránh chồng lắp, gây lãng phí nguồn lực”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Bà Poonam Pillar, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, đầu tư vào các trang, thiết bị của KTTV cũng như các dịch vụ liên quan đến BĐKH vô cùng quan trọng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể bền vững hóa các đầu tư thương mại? Làm sao để dịch vụ KTTV có thể thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng ở rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau?
“Thách thức với ngành KTTV là thiết kế, xây dựng được các dịch vụ KTTV dựa trên cơ sở biến đổi khí hậu cho số lượng đông, đa dạng và phong phú” - bà Poonam Pillar nói.
Theo Tuyết Chính, monre.gov.vn 3/10/2019