Ngày 10/9, Thứ trưởng Lê Công Thành có buổi làm việc với Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) và các đơn vị trực thuộc Bộ để rà soát “Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn”. Thứ trưởng nhấn mạnh tới yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, trong đó quan tâm tới xây dựng dữ liệu ở các khu vực có thiệt hại nhiều về thiên tai.
Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn được phê duyệt tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: Đánh giá được mức độ rủi ro đối với các loại hình thiên tai có tần suất xuất hiện cao hàng năm như bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; Xây dựng được các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và bản đồ cảnh báo thiên tai; Xây dựng được cơ sở dữ liệu về thiên tai và rủi ro thiên tai.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng cục Trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, các nội dung nhiệm vụ trong Dự thảo Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và sản phẩm của Chương trình được nêu tại Quyết định số 705/QĐ-TTg và kế thừa các kết quả đã đạt được của các chương trình, đề án, dự án trong và ngoài Bộ có liên quan.
Đối với mỗi loại thiên tai, các nội dung của Kế hoạch thực hiện tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: (i) Lập bản đồ phân vùng thiên tai thực hiện các nội dung như điều tra, khảo sát, thu thập các thông tin về thiên tai, thiệt hại, biện pháp phòng tránh, các thông tin về dân cư, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên, thảm phủ...; phân cấp, phân vùng mức độ ảnh hưởng của thiên tai; xác định mức độ hiểm họa, phơi bày, khả năng dễ bị tổn thương, khả năng chống chịu, thích ứng đối với từng loại thiên tai chi tiết cho các huyện làm cơ sở để xác định, phân cấp, thành lập các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai chi tiết đến xã, huyện. (ii) Lập bản đồ cảnh báo tác động thiên taithực hiện việc xây dựng các hệ thống dự báo, cảnh báo tác động và rủi ro thiên tai thời gian thực dựa trên mối nguy hiểm của thiên tai, các tác động tiềm năng của thiên tai đối với các hoạt động kinh tế - xã hội. Trọng tâm là thực hiện các nội dung điều tra khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu về khả năng tác động của từng loại thiên tai đối với từng địa phương, lĩnh vực để dự báo chi tiết các tác động, tổn thương, rủi ro đối với con người và sự phát triển kinh tế - xã hội tương ứng với các mức độ nguy hiểm vật lý của từng loại thiên tai; xây dựng các mô hình dự báo cường độ thiên tai theo hướng hiện đại, thời gian thực; xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo chi tiết tác động của thiên tai đến các đối tượng cụ thể và lập bản đồ cảnh báo tác động thiên tai và rủi ro thiên tai chi tiết đến huyện, xã; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai, đặc biệt là bài toán xử lý thông tin trong bối cảnh của bài toán dữ liệu lớn.
Kế hoạch được phân chia thành 02 giai đoạn gồm: giai đoạn 2018 – 2020 tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chính là “Xây dựng hệ thống thiết lập bản đồ dự báo, cảnh báo tác động và rủi ro thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão, nước dâng do bão thời gian thực”; “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ và ngập lụt” và “Xây dựng quy trình, công nghệ lập bản đồ báo cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất cho khu vực trung du và miền núi Việt Nam”. Giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai: áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực miền núi, đồng thời triển khai các nhiệm vụ phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai đối với các thiên tai nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn, mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối và đa thiên tai.
Phát biểu tại buổi làm việc, đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, việc xây dựng và triển khai Kế hoạch cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai có vai trò rất quan trọng, giúp ngành KTTV nâng cao năng lực xác định, đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo tác động thiên tai, đáp ứng yêu cầu của xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Thứ trưởng đề nghị, bám sát nội dung của Quyết định số 705/QĐ-TTg, Kế hoạch cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chung của Bộ, trong đó có các lớp thông tin liên quan đến phân vùng rủi ro thiên tai và các thông tin vĩ mô về kinh tế - xã hội của từng địa phương, để các ứng dụng, các hệ thống có thể khai thác dữ liệu chung mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, quan tâm ưu tiên xây dựng dữ liệu ở các khu vực có thiệt hại nhiều về thiên tai trong 5 năm qua; tăng cường sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai.
Theo monre.gov.vn 10/9/2019