Từ ngày 2 – 6/9, Tuần lễ biến đổi khí hậu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ACPW) diễn ra tại Bangkok, Thái Lan với sự tham dự của 1.700 đại biểu từ 59 quốc gia. Hội nghị nhằm hỗ trợ chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về hành động khí hậu được tổ chức vào tháng 9/2019 tại Newyork, đề xuất và hỗ trợ các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực.
Tuần lễ biến đổi khí hậu gồm các Phiên đối thoại liên quan tới Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định; Diễn đàn khu vực về Mạng lưới Trung tâm Công nghệ Khí hậu CTCN; Hội thảo về Quỹ thích ứng; lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch thích ứng; các phiên thảo luận bàn tròn về Điều 6 của Thoả thuận Paris; Định giá Cácbon; Diễn đàn chính sách lần thứ 14 về mạng lưới sáng tạo Seoul; Đối tác Marrakech; Giá trị của các tri thức bản địa về chống chịu khí hậu.
Các phiên toàn thể với nội dung: Hướng tới COP25 và đạt được mục tiêu của Thoả thuận Paris, Thực hiện NDC Các chiến lược dài hạn giảm phát thải cácbon, Định giá các-bon và thị trường tại khu vực Châu Á - Thái Bình dương, Sự tham gia của các bên hướng tới Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu và COP25, Tài chính cho thực hiện NDC, Chiến lược tài chính khí hậu tại khu vực, Đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu và các sự kiện bên lề khác.
Đoàn Việt Nam đã tham dự các phiên đối thoại, phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Tuần lễ. Tại Đối thoại NDC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đại diện các chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các sáng kiến như tạo công việc xanh đảm bảo chuyển đổi phát triển cácbon thấp và không ai bị bỏ lại phiá sau. Đại diện Việt Nam cũng đã chia sẻ việc rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam, các thách thức và cơ hội thực hiện NDC, lồng ghép giới trong rà soát, cập nhật NDC.
Tại Phiên bế mạc ngày 6/9/2019 các đại biểu đã đồng ý về các thông điệp chính và các bước cần thiết cần thực hiện tại khu vực nhằm chuyển đổi phát triển cácbon thấp và tăng cường tính chống chịu với các tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Trước đó, tại Phiên khai mạc, ông Ovais Sarmad, Phó Tổng thư ký UNFCCC đã cảnh báo các nỗ lực ứng phó với biến đổi toàn cầu hiện nay là chưa đủ. Đóng góp do quốc gia tự quyết định các quốc gia đệ trình trong khuôn khổ Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu có thể làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên 3 độ C hoặc hơn.
Điều này cũng được thể hiện qua thông điệp chính của tuần lễ: “The race we can win (Tạm dịch: Cuộc đua chúng ta có thể chiến thắng)”. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể dẫn đầu việc chuyển đổi trên toàn cầu, giữ nhiệt độ trái đất theo mục tiêu của Thoả thuận Paris. Các đại biểu thống nhất rằng việc chuyển đổi phát triển cácbon thấp và chống chịu khí hậu tại khu vực Châu Á không chỉ được thực hiện bởi chính phủ mà còn các khu vực, thành phố, khu vực tư nhân... Bên cạnh đó, thanh niên đóng vai trò quan trọng tại Tuần lễ Khí hậu Châu Á – Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch thích ứng và tài chính là chủ đề chính trong Tuần lễ APCW tập trung vào các cộng đồng và các hệ sinh thái. Liên quan tới vấn đề tăng cường tính chống chịu với biến đổi khí hậu, đại diện các nhóm dân tộc trong khu vực cùng với các đối tác có liên quan nhấn mạnh việc thay đổi tư duy trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhóm đề xuất các lộ trình cụ thể hỗ trợ chuyển đổi để đạt được mục tiêu chống chịu khí hậu dài hạn.
Một vấn đề khác được thảo luận tại APCW là định giá cácbon, khung minh bạch tăng cường, tăng cường năng lực và tài chính khí hậu trong khu vực đặc biệt cho các quốc gia dễ bị tổn thương.
APCW 2019 là tuần lễ khí hậu khu vực thứ 3 được tổ chức trong năm nay. Trước đó, tuần lễ khí vực Châu Phi đã được tổ chức tại Ghana vào tháng 3 và Tuần lễ khí hậu được tổ chức tại Brazil vào tháng 8. Số lượng đại biểu đăng ký 3 tuần lễ lên tới 10.000 người và họ cùng thảo luận các vấn đề cùng quan tâm tại các khu vực.
Theo monre.gov.vn 9/9/2019