Việt Nam triển khai Thỏa thuận Paris: Đúng hướng vượt trở ngại nguồn lực

Email :
Kết thúc Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 23), đại diện gần 200 quốc gia đã nhất trí sẽ khởi động một tiến trình đánh giá lại các kế hoạch hành động quốc gia về khí hậu từ năm 2018, nhằm đạt được tham vọng giảm phát thải khí nhà kính cao hơn và hoàn thành các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH).
Là một trong những nước sớm thông qua Thỏa thuận toàn cầu quan trọng này, Việt Nam sẽ kỳ vọng như thế nào trong bối cảnh nhiều trở ngại, đặc biệt là cạnh tranh gay gắt các nguồn lực từ bên ngoài? Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT), Phó trưởng Ban Công tác đàm phán của Việt Nam tại COP23 để làm rõ hơn vấn đề này.
PV: Những kết quả quan trọng mà Hội nghị COP23 đạt được có ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình triển khai Thỏa thuận Paris, thưa ông? 
Ông Phạm Văn Tấn: 
Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được các quốc gia thông qua tại COP21 tháng 12/2015, đã có hiệu lực từ tháng 11/2016. Hiện, Thỏa thuận Paris đã được tất cả 195 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH ký, 171 quốc gia phê chuẩn (chiếm 88% tổng số quốc gia và khoảng 88% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu), trở thành nền tảng pháp lý toàn cầu cho ứng phó với BĐKH. Việc tuân thủ các quy định của Thỏa thuận Paris đã trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Tuy đã có hiệu lực, nhưng nhiều nội dung kỹ thuật cho triển khai Thỏa thuận vẫn được các Bên tiếp tục thảo luận và quyết định tại Hội nghị COP những năm tiếp theo. Hội nghị COP23 đã thông qua 31 quyết định, nhưng quan trọng nhất là quyết định về tiến trình Đối thoại Talanoa trong năm 2018 nhằm xác định nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu.  Nội dung chính của Đối thoại xoay quanh việc trả lời 3 câu hỏi: chúng ta đang ở đâu, chúng ta muốn đi tới đâu và làm thế nào để tới được đó. Theo quy định tại COP21, việc đối thoại này sẽ được duy trì định kỳ 5 năm 1 lần, lần tiếp theo sẽ là năm 2023.
Thông qua Đối thoại, nỗ lực ứng phó với BĐKH của mỗi quốc gia sẽ được xem xét, đánh giá cụ thể để xác định những thiếu hụt nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Đây là điểm khác biệt của việc thực hiện Thỏa thuận Paris so với các quy định trong thực hiện Nghị định thư Kyoto trước đây. Nghĩa là, trong quá trình thực hiện, có kiểm tra, đánh giá định kỳ để thúc đẩy hành động đạt mục tiêu đã thống nhất. Việc thông qua quyết định về hình thức, nội dung, thủ tục cho Đối thoại năm 2018 sẽ thúc đẩy các bên thực hiện Thỏa thuận Paris và tạo tiền đề cho việc thực hiện các đợt Đối thoại định kỳ lần sau.
PV: Sự ra đi của nước Mỹ có tác động như thế nào đến nỗ lực huy động và duy trì ngân sách thường niên 100 tỷ USD từ năm 2020? Liên Hợp Quốc và các Bên tham gia Công ước khung đã có dự định gì để bù đắp khoản thiếu hụt này, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tấn:
 Ngày 1/6/2017, Tổng thống Hoa Kỳ do nald Trump đã tuyên bố “kể từ hôm nay, Hoa Kỳ sẽ dừng tất cả mọi hoạt động thực hiện Thỏa thuận Paris… bao gồm cả việc dừng thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định”.
Theo quy định tại Điều 28 của Thỏa thuận Paris, bất cứ quốc gia nào cũng có thể gửi yêu cầu chính thức đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc để rút khỏi Thỏa thuận Paris. Tuy vậy, việc này chỉ có thể thực hiện sau 3 năm kể từ khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực và việc rút khỏi Thỏa thuận chỉ có hiệu lực sau 1 năm kể từ ngày gửi yêu cầu chính thức. do vậy, thời gian sớm nhất, Hoa Kỳ có thể gửi yêu cầu rút khỏi Thỏa thuận Paris là ngày 4/11/2019 và việc rút khỏi Thỏa thuận Paris của Hoa Kỳ chỉ có hiệu lực sớm nhất là ngày 4/11/2020. Như vậy, hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là một Bên tham gia Thỏa thuận Paris và vẫn có trách nhiệm thực hiện các quy định của Thỏa thuận.
Tuy Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris, nhưng hàng nghìn công ty và một số Bang của Hoa Kỳ vẫn tuyên bố ở lại. Đến nay, Hoa Kỳ vẫn là một trong những nước nỗ lực trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (từ 23% năm 1990 xuống 14% năm 2017 tổng phát thải toàn cầu). Tại COP23, Thủ đô Washington của Hoa Kỳ là một trong 25 bên tham gia liên minh xóa bỏ nhiệt điện sử dụng than…
Việc Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris chắc chắn có ảnh hưởng đến nỗ lực chung trong ứng phó và huy động nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, do Hoa Kỳ không chỉ là một Bên có lượng phát thải lớn, mà còn nắm giữ công nghệ tiên tiến và có đóng góp lớn về mặt tài chính cho ứng phó BĐKH toàn cầu. Các nước đang nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt này và đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Đối thoại toàn cầu năm 2018 như đã nêu ở trên.
 
PV: Trong bối cảnh cạnh tranh gắt gao nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris của Việt Nam sẽ có những thay đổi gì để đạt được các mục tiêu trong Báo cáo cập nhật thời gian tới, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tấn: Việc rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam vừa là yêu cầu quốc tế như đã thống nhất tại COP21, vừa là yêu cầu nội tại của Việt Nam như đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về BĐKH khẳng định tại cuộc họp của Ủy ban tháng 5/2017.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, ngày 23/11/2017, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có Quyết định số 2945 thành lập Tổ công tác rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam, đứng đầu là Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân. Thành viên đến từ các Bộ, ngành, một số nhà khoa học từ Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH. Nhiệm vụ chính của Tổ công tác là giúp Bộ TNMT rà soát, cập nhật để trình Chính phủ NDC của Việt Nam theo yêu cầu quốc tế nhưng phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại và dự báo đến 2030. Từ ngày 18 - 20/12, hơn 20 chuyên gia đầu ngành của Việt Nam thuộc các lĩnh vực đã nhóm họp để thảo luận làm thế nào giúp Tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả thảo luận sẽ được báo cáo cho Tổ công tác ngày 5/1/2018.
Với sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ, sự tham gia rộng rãi và tích cực từ các Bộ, ngành, các nhà khoa học, chắc chắn rằng NDC của Việt Nam sau khi được rà soát, cập nhật sẽ phù hợp hơn, phản ánh đầy đủ hơn nỗ lực của Việt Nam, đồng thời cung cấp đầu vào quan trọng để Việt Nam tham gia Đối thoại toàn cầu năm 2018.
Việc nhanh chóng triển khai thực hiện các quy định của Thỏa thuận Paris một cách bài bản, hiệu quả như của Việt Nam là cách tốt nhất để chúng ta huy động nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, trong bối cảnh nguồn lực ngày càng khan hiếm và có sự cạnh tranh gắt gao giữa các quốc gia. Tại Hội nghị COP23, những nỗ lực của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris đã được quốc tế đánh giá rất cao và cho rằng đây là cách đi đúng hướng để huy động mọi thành phần trong quốc gia thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Kinh nghiệm của Việt Nam đã được nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới chia sẻ, học tập.
PV: Thời gian tới, chính quyền các cấp cần làm gì để đẩy mạnh hiện thực hóa văn bản kế hoạch và góp phần đạt được cam kết chung của quốc gia, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tấn: Cho đến hiện nay, mới có 26 tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Các Bộ, ngành và các tỉnh còn lại đang trong quá trình hoàn thiện và lồng ghép thực hiện Kế hoạch vào hoạt động thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương mình.
Một số nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn trước 2020 đã được triển khai như rà soát, cập nhật NDC; xây dựng và triển khai các chương trình dự án ứng phó với BĐKH tại các vùng bị tác động nặng nề của BĐKH như Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh ven biển; xây dựng các quy định pháp lý thực hiện giảm nhẹ bắt buộc; xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia, các báo cáo quốc gia về BĐKH… Tuy vậy, việc chuẩn bị mọi mặt về pháp lý, con người, tài chính… để thực hiện đầy đủ các quy định của Thỏa thuận Paris áp dụng cho Việt Nam từ năm 2020 trở đi còn rất nhiều việc phải làm.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, hành động ứng phó với BĐKH tới các cấp; cùng với trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với yêu cầu của Thỏa thuận Paris; triển khai mạnh mẽ các chương trình, dự án, giải pháp ứng phó với BĐKH…
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực ưu tiên nguồn lực trong nước, quốc tế cho ứng phó với BĐKH. Một số chính sách huy động nguồn lực từ khối tư nhân như chính sách về năng lượng mặt trời, năng lượng gió… đã bước đầu phát huy tác dụng. Tuy vậy, để có thêm nguồn lực ứng phó với BĐKH, về lâu dài cần nỗ lực mạnh mẽ để “Điều chỉnh dòng tài chính phù hợp với lộ trình phát triển phát thải thấp và thích nghi khí hậu” như quy định tại Điều 2 của Thỏa thuận Paris, nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn lực Nhà nước, tư nhân và quốc tế cho các hoạt động ứng phó với BĐKH của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
Theo monre.gov.vn 29/12/2017