Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH

Email :
Sáng 25/8 tại TP.Cần Thơ, đã diễn ra Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là sự kiện quan trọng trong Tuần lễ an ninh lương thực APEC năm 2017 diễn ra từ 18/8 -25/8.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, ông Alan Bollard - Tổng Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Quốc tế chủ trì buổi đối thoại. Tham dự buổi đối thoại có các Bộ trưởng và Trưởng đoàn đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.
Với sự quy tụ của 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số thế giới và 57% GDP toàn cầu, APEC đã và đang khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất trên thế giới, có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của các nền kinh tế thành viên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Trước tình hình thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu diễn ra vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu, việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân là một trong những thách thức mà hầu hết các nền kinh tế thành viên phải giải quyết.
Trong những năm qua, các nền kinh tế của APEC đã có những bước chuyển lớn về nông nghiệp và an ninh lương thực xuất phát từ những thay đổi về thu nhập hộ gia đình, thị hiếu tiêu dùng, sự chuyển đổi trong hệ thống phân phối thực phẩm cũng như do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và biến đổi khí hậu. Điều này đã đặt ra những cơ hội và thách thức cho các nền kinh tế APEC trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp bền vững. 
APEC bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. 
Sau phát biểu chào mừng của ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu khai mạc cuộc đối thoại. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên toàn cầu, đặc biệt khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Biến đổi khí hậu tác động tới các vùng nông thôn nghèo, cũng như tới các hoạt động kinh tế nòng cốt trong nông nghiệp, thủy sản và một số lĩnh vực khác, vốn là động lực quan trọng giúp đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển. Tình hình rất nghiêm trọng và sẽ nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không có các giải pháp ứng phó quyết liệt và hiệu quả hơn với sức mạnh hợp tác tích cực và toàn diện của cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 7,2 tỷ người hiện nay lên 9,6 tỷ người vào năm 2050 và sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó. Gánh nặng khổng lồ của việc đảm bảo an ninh lương thực cho dân số toàn cầu đang tăng nhanh như vậy càng trở nên nặng nề hơn do tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất lương thực và nông nghiệp. Thực tế những năm gần đây cho thấy, việc thay đổi khí hậu làm thay đổi chế độ mưa, tăng tần suất hạn hán và nhiệt độ trung bình, đe dọa nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
APEC là khu vực có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, đồng thời bao phủ phạm vi địa lý rộng lớn với dân số chiếm tỉ lệ cao và có xu hướng gia tăng. do vậy “Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” được Việt Nam lựa chọn và đề xuất nằm trong 4 ưu tiên hợp tác trọng tâm của năm APEC 2017.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực APEC là cơ hội để cho các lãnh đạo cấp cao, phụ trách sản xuất lương thực và nông nghiệp của các nền kinh tế APEC tăng cường các cam kết hợp tác sâu rộng và toàn diện, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý thất thoát thực phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong Đối thoại này, các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ, xem xét và thông qua một số tài liệu quan trọng như Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về phát triển nông thôn - thành thị bền vững nhằm tăng cường an ninh lương thực và đảm bảo chất lượng tăng trưởng; và Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là những tài liệu quan trọng, định hướng các hoạt động hợp tác khu vực và thể hiện nỗ lực của các nền kinh tế thành viên chung tay xây dựng một khu vực APEC phát triển thịnh vượng, người dân được đảm bảo sinh kế, an ninh lương thực và dinh dưỡng, tự cường và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tuyên bố khai mạc Diễn đàn đối thoại cấp cao APEC về chính sách An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng hoan nghênh và đánh giá cao Diễn đàn đối thoại cấp cao APEC về chính sách An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm góp phần vào nỗ lực toàn cầu thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 và Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các biện pháp về an ninh lương thực đã được Bộ trưởng các nền kinh tế APEC thông qua.
Với sự tham gia đông đảo và trách nhiệm của các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn diễn đàn đối thoại sẽ tiếp tục tìm ra những giải pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang phải đối mặt với các thách thức về mất an ninh lương thực, cạnh tranh gay gắt trong sản xuất và thương mại nông nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Những trở ngại trên đặt ra yêu cầu APEC phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác. Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung APEC về An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông thôn – đô thị bền vững và Tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường an ninh lương thực và Phát triển nông nghiệp bền vững (nếu được thông qua) sẽ là khuôn khổ và cơ sở quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực APEC một cách thực chất và hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các nền kinh tế APEC cùng quan tâm đến một số nội dung sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững và thích ứng với với biến đổi khi hậu; nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến hàng nông lâm, thủy, sản;
 
Thứ hai, tăng cường hợp tác để củng cố an ninh lương thực thông qua các nghiên cứu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm;  
 
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác phát triển thủy sản bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng;
 
Thứ tư, huy động các nguồn lực đầu tư cho ngành nông nghiệp, phát huy vai trò của cộng đồng và do anh nghiệp thông qua mối quan hệ đối tác công – tư để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu không phải là những ưu tiên hay kỳ vọng, mà đó là nhiệm vụ và lộ trình mà APEC cần thực hiện đồng thời là trách nhiệm của mỗi nền kinh tế thành viên cần gánh vác. Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác trong khuôn khổ APEC và cam kết sẵn sàng phối hợp với các nền kinh tế thành viên và các đối tác phát triển vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực”.
Một số hình ảnh:

















 
Theo monre.gov.vn 25/8/2017