Hội nghị quốc tế quản lý các tầng chứa nước ven biển Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 5 (APCAMM 5)

Email :
Trong các ngày 17 đến ngày 19/7, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị quốc tế quản lý các tầng chứa nước ven biển Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5 (APCAMM 5) do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì và phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức với sự tham gia của gần 120 nhà khoa học, các nhà quản lý và khách mời trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đến dự và phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị quốc tế Quản lý các tầng chứa nước ven biển Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 5 (APCAMM 5) là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạch định chính sách gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, các kết quả nghiên cứu về quản lý tài nguyên nước - đặc biệt là quản lý nguồn tài nguyên nước ngầm trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn trong khu vực. Hội nghị cũng là cơ hội thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu về quản lý các tầng chứa nước dưới đất và ven biển có thể phối hợp, phát triển, mở rộng mạng lưới hợp tác trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu trong nước, trong khu vực và trên thế giới vì mục tiêu chung phát triển kinh tế xã hội bền vững.
 
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường TS.Võ Tuấn Nhân cho biết: Công tác quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất luôn được các cơ quan và tổ chức môi trường trên thế giới quan tâm. Đó là quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất dựa trên cơ sở tiếp cận và nghiên cứu toàn diện, đa ngành và bảo vệ môi trường cả về trữ lượng, chất lượng nước dưới đất và mối quan hệ của các hệ sinh thái phụ thuộc chặt chẽ với nhau giữa nước mặt và nước dưới đất cũng như quy hoạch và thực trạng sử dụng đất.
Tại Việt Nam, nước dưới đất là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng đối với những địa phương vùng ven biển. do nguồn nước mặt bị ô nhiễm, trong đó có hiện tượng nhiễm mặn nên hầu hết người dân các tỉnh ven biển đều đang khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong gia đình cũng như cho một số hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội trong vùng, quá trình khai thác, sử dụng nước dưới đất ngày càng tăng, đặc biệt là nguồn nước dưới đất chứa trong các tầng chứa nước ven biển. Dưới tác động của con người như khai thác nước dưới đất, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, bãi rác thải, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp,… có thể gây ra tình trạng hạ thấp mực nước dưới đất, gây sụt lún mặt đất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây ra sự xâm nhập mặn của nước biển, sự nhiễm bẩn của nước mặt đến nước dưới đất, làm biến đổi thành phần hóa học và độ tổng khoáng hóa của nước dưới đất.
Thêm vào đó là biến đổi khí hậu sẽ tác động rất lớn đến tài nguyên nước, như lượng mưa diễn biến bất thường, nước biển dâng gây ra xâm nhập mặn, biến động về nguồn tài nguyên quý giá này mà đặc biệt đối với các quốc gia ven biển.
“Trước những thách thức về quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước dưới đất là hết sức cần thiết. Việc bảo đảm, nâng cao cả chất lượng và số lượng trên vùng ven biển Châu Á - Thái Bình Dương mới có thể giải quyết tốt cho nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng của con người. Qua hội nghị này tôi mong muốn các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học tăng cường phối hợp trong việc nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước vùng biển của Việt Nam nói riêng” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
 
 
 
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội nghị, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Việt Nam chủ yếu sử dụng nước ngầm, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức đã tác động tiêu cực đến môi trường ở nhiều khu vực của đất nước. Để khắc phục những thách thức như vậy, một số chiến lược và sáng kiến đang được thực hiện ở Việt Nam như: Việc cải thiện khuôn khổ pháp lý và tính thực thi nó; Hợp tác quốc tế và khu vực; Điều tra cơ bản, giám sát, dự báo và lập kế hoạch; Truyền thông và giáo dục công cộng,… Sự gia tăng nhu cầu nước ngầm, biến đổi khí hậu và nước biển dâng toàn cầu đã gây ra nhiều thách thức đối với việc quản lý nước ngầm trong khu vực của chúng ta như ô nhiễm nước ngầm, nhiễm mặn và lún đất. Vì vậy, chúng ta nên hợp tác nhiều hơn để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp về quản lý tài nguyên nước ngầm ven biển. Tôi hy vọng hội nghị này sẽ nêu bật những cơ hội hợp tác giữa các trường đại học, các tổ chức trong và ngoài nước, từ đó sẽ có tác động tích cực đến việc quản lý nước ngầm ven biển của Việt Nam nói riêng và của các nước thành viên nói chung.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe các báo cáo chuyên đề về: Quản lý ngư trường ven biển; Điều tra các bể chứa ven biển; Địa hóa và đồng vị trong các thiết lập bờ biển; Thủy văn học; Xâm nhập mặn; Biến đổi khí hậu và mực nước biển tăng đến các vùng ven biển…