Hội thảo tham vấn tài liệu đào tạo về biến đổi khí hậu

Email :
Hội thảo do Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức diễn ra sáng ngày 12/6, tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu; ông Giang Đức Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đại diện thành viên Ban biên soạn xây dựng chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tài nguyên môi trường hạng 2 và 3 và Ban biên soạn xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện; đại diện các Bộ: Nội vụ, Giáo dục đào tạo có liên quan mật thiết tới đào tạo nhân lực ngành biến đổi khí hậu; đại diện Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), các tổ chức Phi chính phủ, Trường đại học và Viện nghiên cứu.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được thế giới thông qua tại Hội nghị COP 21 và có hiệu lực từ tháng 11 năm 2016. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris vào ngày 03/11/2016 và có trách nhiệm phải triển khai thực hiện các quy định đối với Việt Nam tại Thỏa thuận Paris. Trong đó nhấn mạnh tới việc ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam phải từng bước chuyển từ ứng phó tự nguyện như hiện nay, sang ứng phó mang tính chất bắt buộc, với hình thức công khai, minh bạch, chịu sự giám sát, kiểm tra của cộng đồng quốc tế từ 2021 trở đi. Điều này cũng đòi hỏi các cán bộ làm công tác ứng phó với biến đổi khí hậu phải có những nhận thức, kỹ năng, khả năng mới. Vì vậy các tài liệu đào tạo về ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang được triển khai cần được rà soát, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương, các Viện nghiên cứu, các trường xây dựng triển khai chương trình đạo tạo lại cán bộ, chương trình giảng dạy về biến đổi khí hậu đáp ứng nhu cầu thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
 
Ông Giang Đức Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, theo quy định tại Quyết định số 186/QĐ-BTNMT ngày 23/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đơn vị quản lý chuyên ngành đã chủ động xây dựng chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành (thời gian bồi dưỡng 1 tuần) gồm: địa chính, tài nguyên nước, môi trường, địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, viễn thám và biến đổi khí hậu...Tuy nhiên, một thực trạng còn tồn tại trong công tác quản lý là chương trình bồi dưỡng thuộc các lĩnh vực chuyên ngành đó là chưa có sự rà soát, tổng hợp. Hiện nay, chương trình đào tạo, bồi dưỡng các lĩnh vực chuyên ngành có thể được biên soạn thành một bộ tài liệu riêng, cũng có thể xuất hiện trong các tập tài liệu tổng hợp. Vì thế chưa có sự đồng nhất, nhất quán.
 
Từ những yêu cầu của thực tiễn nói trên, để góp phần thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thông qua Dự án tăng cường năng lực thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (CBICS), Cục Biến đổi khí hậu đã rà soát một số tài liệu đào tạo về biến đổi khí hậu đã được xây dựng trong những năm qua và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu là: Tập hợp các nguồn tài liệu đào tạo về biến đổi khí hậu đã có, xây dựng khung tăng cường năng lực; xây dựng khung tài liệu cho đối tượng đào tạo, sử dụng tài liệu đào tạo có sẵn hoặc cập nhật bổ sung theo yêu cầu (theo hai loại hình đào tạo là: đào tạo truyền thống và đào tạo trực tuyến); đánh giá nhu cầu và năng lực của cán bộ cho 3 tỉnh Quảng Ngãi, Lai Châu và Bình Thuận.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng trong việc tham vấn ý kiến của các đại biểu đối với Báo cáo rà soát và Đề cương chi tiết tài liệu đào tạo thuộc lĩnh vực biến đổi khí hậu để trên cơ sở đó Cục Biến đổi khí hậu tiếp tục sửa đổi dự thảo Đề cương tài liệu đào tạo về biến đổi khí hậu cho phù hợp.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và có nhiều ý kiến tham vấn trong việc xây dựng chi tiết tài liệu đào tạo thuộc lĩnh vực biến đổi khí hậu; đồng thời khẳng định lĩnh vực biến đổi khí hậu sẽ là lĩnh vực đầu tiên có được sự rà soát, hoàn thiện bộ tài liệu chuyên ngành một cách tổng hợp và hoàn thiện nhất. Đây sẽ là tiền đề để các lĩnh vực chuyên ngành khác triển khai thực hiện việc rà soát, tổng hợp lại các chương trình bồi dưỡng đã xây dựng.
 
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu đánh giá cao những nỗ lực, sự tâm huyết của nhóm tư vấn biên soạn tài liệu trong quá trình xây dựng Báo cáo và Đề cương chi tiết tài liệu về lĩnh vực biến đổi khí hậu.
 
Đề xuất tới việc xây dựng khung tài liệu cho đối tượng đào tạo, GS.TS Trần Thục cho rằng, việc xây dựng khung tăng cường năng lực đào tạo cho cấp địa phương cần tập trung vào 07 mô đun: (1) Giới thiệu về biến đổi khí hậu và sự cần thiết thích ứng; (2) Phân tích dữ liệu khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu; (3) Đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu để thực hiện quy hoạch thích ứng; (4) Xác định các phương án và lựa chọn các giải pháp thích ứng; (5) Xây dựng khung giám sát và đánh giá (M&E); (6) Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc xây dựng một kế hoạch toàn diện để nâng cao năng lực cho hành động thích ứng; (7) Thiết lập mô đun ở cấp địa phương bằng các kiến thức, hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương và quy hoạch thích ứng của các chương trình, dự án hiện có của các sở, ngành ở địa phương.
Một số hình ảnh:







Theo monre.gov.vn 12/6/2017