Bộ TN&MT: Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020

Email :
Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; quản lý và giám sát BĐKH và tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực chủ yếu của Bộ TNMT giai đoạn 2016-2020, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về BĐKH.
Về các mục tiêu cụ thể, Kế hoạch hướng tới củng cố và tăng cường, năng lực quản lý nhà nước về BĐKH; cải thiện khả năng ứng phó với BĐKH của từng lĩnh vực thuộc ngành TNMT; tích hợp, lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển thuộc lĩnh vực TNMT và các ngành, lĩnh vực liên quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về BĐKH; nâng cao nhận thức về BĐKH.
 
05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về BĐKH cần triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020 gồm:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH ở Việt Nam
Bộ sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ nêu trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; xây dựng lộ trình và phương thức để Việt Nam tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu; xây dựng Hệ thống quốc gia về đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH; xây dựng Kế hoạch quốc gia về thích ứng BĐKH; xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Luật BĐKH của Việt Nam; xây dựng hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
 
Thứ hai, đánh giá khí hậu quốc gia, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam
Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm đánh giá khí hậu quốc gia và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về BĐKH của Việt Nam; cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai (bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, trượt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn,…); cập nhật kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH; cập nhật kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam.
 
Thứ ba, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực
Trong nhóm nhiệm vụ này, Bộ sẽ thực hiện phổ biến kiến thức nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; cơ hội của BĐKH; Đóng góp do quốc gia tự quyết định; Thỏa thuận Paris, cơ hội và thách thức của Việt Nam cũng như các nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; xây dựng tài liệu và tập huấn kỹ năng thích ứng với BĐKH đối với các vùng dễ bị tổn thương; xây dựng, triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về BĐKH cho ngành TNMT.
 
Thứ tư, triển khai một số hoạt động cấp bách về ứng phó với BĐKH
Bộ sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng mô hình số độ cao độ chính xác cao phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng và Điều tra, khảo sát, phân vùng lũ quét ở khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và xây dựng thí điểm hệ thống giám sát hỗ trợ ra quyết định cảnh báo cho những khu vực có nguy cơ lũ quét cao phục vụ công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH; Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các vùng kinh tế trọng điểm và toàn quốc tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở thực hiện rà soát, cập nhật theo hướng thích ứng với BĐKH, nước biển dâng; Xác định sự thay đổi, biến động về diện tích, chất lượng đất do tác động của nước biển dâng, sa mạc hóa, sạt lở, xói mòn,...; Phân vùng biển, đảo phục vụ quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên biển, đảo đến năm 2050 trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng; Xác định sức chịu tải của các thành phần môi trường cho từng khu vực trên phạm vi cả nước trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng; phân vùng nền địa chất ven biển Việt Nam trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng;
Đồng thời, Bộ sẽ kiểm kê khí nhà kính quốc gia, xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba (TNC) và Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ hai (BUR2) theo quy định của Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH; Xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước ngầm cho các vùng kinh tế trọng điểm và toàn quốc tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở thực hiện rà soát, cập nhật theo hướng thích ứng với BĐKH, nước biển dâng; Xây dựng hệ thống giám sát BĐKH và dự báo xâm nhập mặn thuộc Quy hoạch mạng lưới quan trắc TNMT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương, xác định nhu cầu tăng cường năng lực thích ứng và các giải pháp cho các tổn thất và thiệt hại do BĐKH cho các vùng kinh tế trọng điểm.
 
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về BĐKH
Bộ sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, khẳng định sự chủ động, nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH thông qua đàm phán quốc tế về BĐKH, đồng thời tiếp tục vận động hỗ trợ quốc tế về tài chính, công nghệ để Việt Nam ứng phó hiệu quả với các tác động của BĐKH; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, các hành động chính sách ưu tiên về BĐKH đã cam kết với các nhà tài trợ, các đối tác phát triển; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ quốc tế thông qua các kênh hợp tác song phương, đa phương.
Theo monre.gov.vn 11/4/2017