Ngày khí tượng thế giới 23/3: Đối mặt với tương lai khắc nghiệt - Bài 2

Email :
Trong Thông điệp nhân ngày Khí tượng thế giới 23/3, ông Petteri Taalas - Tổng Thư Ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã nhận định: “Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế đã nhận thức rõ ràng sự cần thiết phải có những hành động mạnh mẽ để ứng phó…”
 

Bài 2: Hướng tới một tương lai có sức chống chịu và bền vững

Liên kết để chống lại biến đổi khí hậu

Suốt nhiều thập kỷ qua, chưa thời điểm nào như năm 2015, thế giới lại thể hiện sự đồng thuận mạnh mẽ như thế trong biến đổi khí hậu. Vượt qua những lợi ích riêng, những bất đồng về chính trị, chủng tộc, ngôn ngữ…, gần 200 quốc gia đã cùng thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khí hậu (COP 21).

Điểm chốt quan trọng nhất là tất cả các quốc gia, tùy theo trách nhiệm của mình sẽ giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này và cố gắng tiến đến mục tiêu 1,5 độ C. Giữ được mục tiêu này, nghĩa là phần lớn các vùng đất quan trọng trên thế giới được cứu khỏi nạn đại hồng thủy do băng tan, nước dâng.

20 kỳ COP trước đó chỉ có những bất đồng, tranh cãi nảy lửa. Bất ngờ tại COP 21 lại đạt được sự đồng thuận. Điều đó có sự nỗ lực của Ban tổ chức, nhưng điều quyết định là chính mỗi quốc gia đã tự ý thức được vận mệnh của đất nước mình. Họ hiểu rằng, lợi ích quốc gia chỉ đạt được khi trái đất được an toàn.

Xác định BĐKH là vấn đề toàn cầu, hiện Việt Nam cũng đang chung tay cùng nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó BĐKH. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn & Biến đổi khí hậu cho biết, trong các năm gần đây, Việt Nam đã hợp tác với các tổ chức quốc tế thông qua nhiều hoạt động khác nhau, trong đó hai hoạt động hợp tác chính là: hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế về ứng phó với BĐKH và hỗ trợ thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH;

Trong việc xây dựng chính sách, thể chế về ứng phó với BĐKH, Chương trình Hỗ trợ Ứng phó với Biến đổi khí hậu (SP-RCC) được biết đến là một trong những thành quả nổi bật nhất trong việc hợp tác xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH giữa Việt Nam và các đối tác phát triển. Chương trình SP-RCC là một diễn đàn đối thoại chính sách hiệu quả, đạt được nhiều thành quả quan trọng trong các lĩnh vực lồng ghép, thích ứng và giảm nhẹ; thể hiện rõ vai trò và sự đóng góp của Việt Nam trong đối thoại khu vực và toàn cầu về biến đổi khí hậu.

SP-RCC đã và đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là một cách tiếp cận sáng tạo nhằm huy động sự hỗ trợ của quốc tế trong nỗ lực quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về hỗ trợ các hoạt động ứng phó với BĐKH, cũng trong khuôn khổ Chương trình SP-RCC, nhiều dự án ưu tiên thích ứng với BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai thực hiện.

Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, triển khai các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính. Tính đến tháng 6 năm 2015, với sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam có 254 dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) được công nhận, xếp thứ 4 về số lượng dự án và thứ 11 trên thế giới về chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận.

Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, các nhà tài trợ như JICA, DFID, WB, Đan Mạch, GIZ, … đã và đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng, hình thành và cải tiến khung pháp lý liên quan tới các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA); tăng cường năng lực, xây dựng, thực hiện, quản lý NAMA cấp ngành và cấp quốc gia; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về NAMA và MRV; triển khai thực hiện các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường cac-bon (PMR)…

Phải chủ động trong tương lai

Trong Thông điệp của Tổ chức Khí tượng thế giới nhân ngày Khí tượng thế giới 23/3 đã nhận định, hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế đã nhận thức rõ ràng sự cần thiết phải có những hành động mạnh mẽ để ứng phó với BĐKH.

Muốn hướng tới một tương lai có sức chống chịu và bền vững, theo GS.TS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, thì cần có phối hợp giữa quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH.

Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH, về cơ bản, là lập kế hoạch cho một tương lai có nhiều bất định. Quá trình này có liên quan đến việc kết hợp ý chí chủ quan (cá nhân và tập thể) với viễn cảnh về những gì sắp đến.

Việc phối hợp giữa quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH rất cần thiết song không có một công thức duy nhất để thực hiện mà cần sự linh hoạt, sáng tạo.

Trong 8 yếu tố then chốt để thực hiện phương thức quản lý trên, GS. Trần Thục nhấn mạnh đến các yếu tố như sự lãnh đạo sáng tạo, mềm dẻo, và đổi mới; việc quản lý thích ứng, nhạy bén và có trách nhiệm; sự hỗ trợ linh hoạt, đổi mới tại địa phương và trong các ngành. Hai điều quan trọng ảnh hưởng đến sự bền vững đó là: Tích hợp giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH vào các quá trình xây dựng chính sách kinh tế - xã hội và phải có cam kết dài hạn.

Phải thừa nhận rằng, nước ta đã có nhiều nỗ lực, đổi mới để giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH. Từ việc đầu tư vào hệ thống dự báo, cảnh báo sớm đến nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng; từ việc nâng cao nhận thức đến đầu tư biện pháp công trình và phi công trình phù hợp…

Song vấn đề cốt lõi đặt ra là, sự thành công có bền vững hay không phụ thuộc lớn vào sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với giảm nhẹ rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan khí hậu.

Thực tế, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã huy động toàn bộ nguồn lực của xã hội, của hệ thống chính trị trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hiện tượng khí hậu cực đoan và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với sự phát triển bền vững của đất nước. Hệ thống luật pháp và các văn bản quy phạm pháp luật phòng chống thiên tai, hiện tượng khí hậu cực đoan và thích ứng với BĐKH, với tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn, được phát triển một cách đồng bộ và ngày càng được hoàn thiện. Các chính sách có liên quan được điều phối và đẩy mạnh thực hiện ở cả cấp trung ương, địa phương và Bộ, ngành, góp phần quan trọng làm giảm tính dễ bị tổn thương, nâng cao khả năng chống chịu của các ngành, địa phương và các cá nhân.

Phạm Thu Hà (http://monre.gov.vn/)