Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của lĩnh vực đo đạc và bản đồ thời gian qua đã đóng góp quan trọng trong việc hình thành hệ thống lý luận khoa học phục vụ việc ban hành cơ chế, chính sách pháp luật; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ điều tra cơ bản phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.
* Nhiều thành tựu được ghi nhận
Theo bà Vũ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT, kể từ khi được thành lập cho đến nay, Bộ TN&MT luôn dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ công tác đo đạc và bản đồ nói chung và phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực đo đạc và bản đồ nói riêng nhằm nâng cao chất lượng công tác đo đạc, điều tra cơ bản; ứng dụng đo đạc và bản đồ trong quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường.
Ðiển hình như trong lĩnh vực đo đạc, điều tra cơ bản, các công nghệ mới được triển khai với quy mô lớn, cụ thể: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đo vẽ ảnh số trong thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính; ứng dụng công nghệ LiDAR xây dựng mô hình số cao độ (DEM) độ chính xác cao khu vực ven biển Việt Nam phục vụ việc xây dựng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng;...
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần trong việc xây dựng và ban hành Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 về quản lý hoạt động đo đạc và và bản đồ thay thế Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22/1/2002; đề xuất luận cứ khoa học cụ thể trong việc xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ và danh mục hệ thống các văn bản dưới Luật.
Cùng với đó, các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ về đo đạc và bản đồ đã được ứng dụng, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước và hoạt động điều tra cơ bản của ngành TN&MT, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trực tiếp phục vụ mở mới và triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể về đo đạc, bản đồ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Mặt khác, công tác thông tin khoa học và công nghệ đo đạc và bản đồ đã được đẩy mạnh. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được phổ biến trên các ấn phẩm trong, ngoài ngành và quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn theo Phó Vụ trưởng Vũ Thị Hằng, nhân lực nghiên cứu khoa học trong đo đạc và bản đồ và công nghệ nói chung chưa thực sự đồng đều, còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt là các cán bộ có trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cấp Nhà nước và quốc tế.
Đội ngũ cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ mặc dù có tăng về số lượng, có ưu điểm về khả năng nhanh nhậy tiếp cận công nghệ mới nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tế, năng lực đề xuất các nhiệm vụ giải quyết các vấn đề lớn, cấp thiết trong ngành đo đạc và bản đồ còn hạn chế.
Cùng với đó, thiếu quy hoạch, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao về đo đạc và bản đồ; chưa có chính sách thu hút, ưu đãi cán bộ nghiên cứu khoa học trong đo đạc và bản đồ. Một số chuyên ngành còn thiếu cán bộ “đầu đàn”.
Đó là chưa kể, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ về đo đạc và bản đồ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của ngành cũng như yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; khó phát huy được nguồn lực công nghệ và con người một cách hiệu quả.
* Nhiều giải pháp đồng bộ
Theo các chuyên gia, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, Chính phủ, Bộ TN&MT, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đo đạc, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong đo đạc, xử lý số liệu, quản lý cơ sở dữ liệu. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và định mức kinh tế trong đo đạc và bản đồ. Ðẩy mạnh nghiên cứu để xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS trong lưu trữ và xử lý khối lượng dữ liệu lớn không gian địa lý thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau theo thời gian thực phục vụ lập bản đồ 3D, 4D…
Cùng với đó, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho nghiên cứu trong đo đạc và bản đồ; hình thành các nhóm nghiên cứu trình độ cao trong một số hướng nghiên cứu phức tạp và mang tính định hướng công nghệ cho ngành. Có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân, cộng đồng trong việc phát triển các dịch vụ liên quan đến dữ liệu không gian địa lý, tạo ra sản phẩm đa dạng phục vụ xã hội…
Dưới góc độ là Viện nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, theo ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Viện nghiên cứu cơ bản đầu ngành có trình độ khoa học và công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực, tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ, thời gian qua, Viện đã đề ra những mục tiêu cụ thể như: Mở rộng và nâng cao chất lượng nghiên cứu KH&CN để đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các luận cứ KH&CN tiên tiến phục vụ các yêu cầu của quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, sử dụng hợp lý tài nguyên, thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học về Trái đất.
Trong thời gian tới, Viện tiếp tục kiện toàn, phát triển cơ cấu tổ chức của Viện để đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới; tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học có trình độ cao của Viện đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu chuyên môn, có đủ phẩm chất chính trị, trình độ và năng lực chuyên môn sâu; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, tăng cường đầu tư trang thiết bị, máy móc nghiên cứu khoa học hiện đại đạt trình độ tiên tiến trong khu vực để đáp ứng các yêu cầu thực hiện các định hướng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng đã được đề ra… từng bước đáp ứng những yêu cầu mới về nguồn nhân lực trong sự phát triển chung của Bộ TN&MT.